Giải cứu một vài ngàn con thấm thía gì?
Sáng 30.4, Đồng Nai mở điểm bán thịt heo rẻ hơn thị trường 20 – 30% để kích thích người dân tiêu thụ khoảng 300.000 con quá lứa và được hưởng ứng nhiệt tình. Không chỉ giảm giá bán lẻ, Đồng Nai cũng tiên phong mua heo hơi cao hơn 7 giá (7.000 đồng) so với thị trường, tương đương 30.0000 đồng/kg cho nông dân. Sắp tới, Đồng Nai dự kiến mở rộng thêm các điểm bán thịt heo giảm giá, đồng thời giết mổ cung cấp trực tiếp vào các khu công nghiệp với hy vọng hàng vạn công nhân có thể ăn thịt heo, hòng giảm gánh nặng tồn đọng đàn heo của tỉnh.
Đồng Nai bắt đầu tăng giá heo hơi lên đến 30.000 đồng/kg và hạ giá thịt heo xuống ở mức hợp lý.
Không chỉ có Đồng Nai, trong tuần qua, hình ảnh bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cùng thứ trưởng Vũ Văn Tám “chạy” như con thoi ở các địa phương, doanh nghiệp tìm giải pháp giải cứu đàn heo đã cho thấy tính cấp bách cũng như quy mô khủng hoảng thị trường mặt hàng này gai góc đến mức nào. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng kêu gọi quân dân cả nước chung tay cứu đàn heo. Công an, quân đội cũng đã vào cuộc.
Ấy vậy mà, với những người trong cuộc, người am hiểu góc cạnh ngành chăn nuôi, thì những giải cứu nói trên, xem ra vẫn chưa đủ. Sáng hôm thứ bảy, người viết có dịp uống cà phê với một vị giám đốc doanh nghiệp. Vị này thông tin sau biến cố con heo, công ty đã quyết định đẩy nhanh tiến độ xây lò mổ hiện đại vì cho rằng, với cách nuôi không có quy hoạch thì kiểu gì khủng hoảng cũng sẽ lặp lại, lúc đó sẽ ra tay giết mổ, cấp đông, dự trữ heo. Bình luận về cách giải cứu đàn heo mà cả nước đang ra tay, ông cho rằng, đó mới chỉ giải quyết được phần ngọn của một nhánh cây. Trong khi đó, cái cây lại có rất nhiều nhánh. Ý ông muốn nói đến tình hình tổng đàn heo hiện đang dư thừa quá nhiều, việc các địa phương, ban ngành kêu gọi giảm giá, kêu gọi người tiêu dùng ăn nhiều heo hơn cũng không thể một lúc giải quyết hết số hiệu này được.
Quả thật, cho đến bây giờ, không có cơ quan nào xác định được trong dân còn dư thừa bao nhiêu con heo. Bộ NN-PTNT thống kê cả nước có hơn 30 triệu con. Tổng cục Thống kê thì nói có 27 triệu con, lại có con số đưa ra là 51 triệu con… Nhìn chung không ai biết heo tồn còn bao nhiêu.
Cũng hôm tối thứ bảy, phó tổng giám đốc công ty chăn nuôi ở Đồng Nai gọi điện chia sẻ thông tin trong dân hiện còn ít nhất 2 triệu con heo tồn, chưa kể số heo đến lứa (90 – 100kg) vẫn cứ lớn lên mỗi ngày. Theo vị này, những cuộc giải cứu thị trường thịt heo diễn ra những ngày qua đã mang lại nhiều tích cực, lượng heo tiêu thụ tăng lên, nhưng bấy nhiêu đó không thể giải quyết hết số heo tồn đọng ở các trang trại được.
“Cứ cho là một ngày chúng ta ăn thêm năm mười ngàn con heo, nhưng so với lượng heo xuất sang Trung Quốc năm ngoái thì còn thấp hơn nhiều”, vị này phân tích.
Nhìn lại, từ giữa 2015 đến hết tháng 10.2016, Việt Nam bán sang Trung Quốc trung bình mỗi ngày khoảng hai vạn con heo. Xuất khẩu heo sang Trung Quốc chỉ gặp khó khăn từ tháng 11.2016 và thực tế tình trạng cung vượt cầu đã xảy ra từ 6 tháng nay rồi, chứ không phải đến bây giờ mới khủng hoảng. Sở dĩ các tháng cuối 2016 và đầu 2017, heo hơi còn bán được giá là do lúc đó trùng vào Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ tăng hơn ngày thường và thời điểm đó, Trung Quốc vẫn nhập khẩu lai rai mỗi ngày năm bày ngàn con heo. Ngoài ra, chúng ta cũng xuất được một ít sang Campuchia vào dịp tết của họ trong tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 3.2017 trở đi, việc Trung Quốc chính thức đóng sập cửa biên mậu, khiến Việt Nam không còn xuất khẩu được heo hơi và lượng heo tồn bắt đầu tăng lên mỗi ngày. Như vậy, hơn một tháng rưỡi trở lại đây, mỗi ngày cả nước đã dư ra ít nhất hai vạn con heo, cộng với số heo còn tồn lại sau tết Nguyên đán 2017 nên việc cho rằng, cả nước còn không dưới 2 triệu con heo là có cơ sở. Chưa hết, heo tồn đọng vẫn phải ăn, chúng sẽ tăng trọng lượng thêm ít nhất 20 – 40% nữa, nên sản lượng heo đang dư dôi phải nhân lên hai lần (vừa tăng đầu con vừa tăng sản lượng).
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc giải quyết số heo đến lứa xuất chuồng ra thì nếu các cuộc giải cứu giết thịt được hai vạn con heo mỗi ngày, liên tục trong vòng 1,5 tháng thì may ra mới hết số heo tồn. Đó là chưa kể một lượng heo lên đến hàng triệu con đến lứa vẫn mỗi ngày cung cấp ra thị trường.
Tìm cho ra thị trường bên ngoài
Trở lại câu chuyện của vị giám đốc đang xúc tiến xây nhanh lò mổ, ông cũng quả quyết chúng ta đang có cách giải cứu con heo không bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp. Theo ông, lúc này thị trường hơn 90 triệu dân Việt Nam có giới hạn, nếu có hô hào giảm giá, kêu gọi lòng trắc ẩn của mọi người thì cũng chỉ giải quyết được vài chục ngàn con heo, không thấm vào đâu so với hàng triệu con còn nằm ở các trang trại. Biện pháp cấp bách bây giờ là phải tìm cho ra thị trường bên ngoài.
Vậy thị trường đó là ở đâu? Đó có thể là các nước gần chúng ta, như Trung Quốc, Philippines, Myanmar… Riêng Philippines, ông này nói nước này có 95 triệu dân, nhưng đàn heo của họ chỉ có 12 triệu con nên năm nào họ cũng phải nhập thịt heo bổ sung. Gần đây nhất, năm 2016, Philippines nhập 600.000 tấn thịt heo từ châu Âu, Bắc Âu, Mỹ nên tại sao, ngay lúc này, các cơ quan chức năng Việt Nam vì sao không liên hệ ngay với họ để thương thảo bán heo. Chúng ta chưa có lò mổ hiện đại cấp đông đúng tiêu chuẩn thì có thể bán heo hơi, chở bằng tàu thuỷ. Có thể thuê tàu vận chuyển, chở từ các cảng ở miền Trung qua, chậm nhất cũng cỡ khoảng hai ba ngày là tới các đảo của họ. Hiện nay, Trung Quốc cũng đang mua heo hơi của Thái Lan, qua ngả Lào, vận chuyển bằng tàu thuỷ với số lượng khá lớn.
“Nếu Philippines khó khăn trong thanh toán thì chúng ta có thể đưa ra các chính sách bán trả chậm, hàng đổi hàng hay bất cứ hình thức nào khác để giải quyết hết số heo tồn đọng chứ càng để lâu, dịch bệnh nổ ra thì sẽ mất trắng hết!”, ông này kiến nghị.
Với thị trường Trung Quốc, bằng cách nào đi nữa, khó khăn đến mấy, thậm chí là thời điểm này chúng ta phải chấp nhận đánh đổi để họ mở cửa nhập heo trở lại. Cũng có ý kiến thông tin Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc để xuất heo chính ngạch, nhưng nếu chờ đàm phán xong thì đàn heo không còn con nào, vì tình hình đang rất căng. Heo tồn ở trại bị bỏ đói, ăn không đủ năng lượng, dinh dưỡng, ngủ không đủ giấc rất dễ phát sinh dịch bệnh. Nếu dịch bệnh nổ ra lúc này sẽ rất khó cứu chữa và khi đó, cơn bão dịch bệnh còn nguy hiểm gấp mấy lần cơn bão giá mà nông dân đang đối mặt.
Tác giả bài viết: Cẩm Tú
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn