Với nền đất đỏ bazan, lượng mưa lớn trên 2.200mm, nắng trung bình 2.000-3.000 giờ mỗi năm, Đắk Nông hội đủ điều kiện thích hợp cho cây sầu riêng phát triển. Trái sầu riêng nơi đây nổi tiếng thơm ngon, cơm vàng, thịt dày, hạt lép, vị béo ngậy và ngọt thanh.
Toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha sầu riêng, mỗi năm cho sản lượng 10.000 tấn, tập trung tại các huyện Đăk Mil, Cư Jut, Đăk R’Lấp và thị xã Gia Nghĩa. Ngoài giống bản địa, nông dân còn cải tạo năng suất và chất lượng quả qua từng năm bằng các giống sầu Monthong (Thái Lan), Ri 6 (Bến Tre)...
13 năm gắn bó với cây sầu riêng, ông Nguyễn Ngọc Trung (thôn Bon Srê Ú, xã Đắk Nia, Gia Nghĩa) là một trong những người đầu tiên chuyển hướng canh tác theo tiêu chuẩn VietGap. Mỗi năm, lão nông thu được 500 tấn sầu, giá bán ổn định 35.000-40.000 đồng một kg, mang về thu nhập 18-20 tỷ đồng.
Năm 2013, 45ha trên tổng số 62ha sầu của ông đạt chứng nhận VietGap. Lão nông ưu tiên chọn những giống cây năng suất tốt, phù hợp với thổ nhưỡng. Sầu sạch đắt hàng, hầu như gia đình không phải mang đi rao bán, mà thương lái phải đến tận vườn đặt mua.
Với kinh nghiệm lâu năm, ông không chỉ nắm rõ kỹ thuật chăm sóc cây theo từng giai đoạn, mà còn tuân thủ các tiêu chuẩn VietGap về sử dụng nước tưới, bón phân và phòng bệnh. Lão nông cho biết, chỉ được phép sử dụng phân hữu cơ và vi sinh để bón cho cây.
Cũng theo ông Trung, đất Tây Nguyên khác với Nam bộ, nên khi trồng sầu riêng cần đào hố sâu. Với đất đỏ bazan, ông đào hố sâu trên 80cm. Nếu đất mỡ gà đào nông 40-50 cm. Sau đó mới bón lót bằng phân chuồng và vi sinh.
Ngoài ra, ông Trung còn đào 3,5ha ao hồ ngay trong trang trại để trữ nước tưới trong mùa khô, kết hợp làm hệ thống dẫn tưới hiệu quả và tiết kiệm lên đồi cao.
Ông Trung cho biết, sầu riêng bắt đầu thu hái khi trái đã già, vỏ chuyển màu vàng đồng, khoảng cách các gai lớn, lấy dao chích trên cuống thấy nhựa chảy ra ngọt. Quả sầu riêng ngon, khi dùng cán dao gõ vào sẽ nghe thấy tiếng kêu bộp bộp hoặc thấy cuống sâu./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn