Công tác sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường ngày càng có hiệu quả. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp đạt lợi nhuận bình quân 1,2 tỷ đồng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), công tác sắp xếp, đổi mới công ty (Cty) nông, lâm nghiệp (LN) đã đạt một số kết quả khả quan.
Từ năm 2012, toàn bộ nông, lâm trường quốc doanh đều thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, 2 thành viên, cổ phần nông nghiệp hoặc Ban quản lý rừng phòng hộ. Hiện, chỉ còn 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 6 Tập đoàn, Tổng Cty có Cty nông, lâm nghiệp với 145 Cty nông nghiệp (nông trường cũ), 148 Cty LN, 3 Cty cổ phần (chủ yếu sản xuất giống cây trồng) và 87 ban quản lý rừng phòng hộ (các lâm trường cũ).
Đối với các Cty nông nghiệp sau khi sắp xếp đã ổn định và phát triển, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách hàng năm của nhiều công ty tăng nhanh, nhất là các công ty gắn được sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với các Cty LN và Ban quản lý rừng bước đầu đã phân định được nhiệm vụ công ích phát triển rừng với các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh khác. Diện tích đất đai đã được rà soát và chuyển một phần diện tích khá lớn về cho địa phương quản lý. Doanh thu bình quân 1 Cty LN là 13,6 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân là 1,2 tỷ đồng.
Nhìn chung, các DN kinh doanh rừng trồng có khả năng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu có xu hướng tăng lên, tuy nhiên quy mô diện tích quản lý tương đối nhỏ (các Cty có diện tích dưới 5.000 ha chiếm tới 51,2% so với tổng số DN lâm nghiệp).
Hiệu quả là vậy nhưng trên thực tế, nhiều ý kiến vẫn cho rằng các DN LN hiện nay còn hạn chế về quy mô vốn, năng lực, đầu tư kinh doanh áp dụng khoa học công nghệ và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các DN này đa số là các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ nên khả năng thu hút lao động trong nông thôn bị hạn chế.
Đối với các nông lâm trường quốc doanh mặc dù đã chuyển sang mô hình DN hoạt động theo luật DN và mô hình Ban quản lý rừng, nhưng chủ yếu vẫn là ”bình mới rượu cũ”. Tình hình quản lý đất đai trong các DN còn nhiều yếu kém, bất cập, lãng phí trong sử dụng đất đai.
Cổ phần hóa DN, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước thuộc ngành, đặc biệt các DN nông lâm nghiệp, theo Quyết định 916/QĐ-BNN-QLDN ngày 5/5/2014 của Bộ NN&PTNT, kế hoạch 2015 của Bộ là sẽ chuyển đổi các Cty lâm nghiệp chủ yếu quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu.
Cụ thể, hướng dẫn các địa phương, đơn vị lập, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cty nông, lâm nghiệp trên phạm vi cả nước theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, lâm nghiệp thay thế Nghị định 170/2004/NĐ-CP và Nghị định 200/2004/NĐ-CP.
Tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của các nông, lâm trường; quy hoạch lại đất đai, phân loại đất và xây dựng phương án xử lý cụ thể.
Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát chuyển đổi các Cty LN quản lý đất lâm nghiệp ít xen kẽ trong khu dân cư sang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu và giao đất về địa phương quản lý. Sáp nhập các Cty LN trên cùng địa bàn huyện, bàn giao 1 số Cty LN (thuộc Tổng Cty Cà phê Việt Nam) trên cùng địa bàn.
Song song đó, thực hiện CPH một số Cty nông, LN đã thực hiện thuê đất không nằm ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Nhà nước sẽ duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu Cty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm các Cty nông nghiệp tại các địa bàn chiến lược.
Chuyển Cty LN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành Cty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với Cty LN có diện tích rừng sản xuất là rừng trồng và đất quy hoạch trồng rừng sản xuất từ 70% diện tích đất được giao, thuê trở lên tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh...
Đặc biệt, giải thể các Cty nông, LN sản xuất kinh doanh lỗ liên tục 3 năm liên tiếp không có phương án khắc phục, không quản lý được đất đai hoặc thu nhập chủ yếu từ cho thuê đất, không nằm ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có yêu cầu cao về an ninh - chính trị, không cần thiết phải duy trì.
Năm 2015, ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 25.000 tỷ đồng; tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 7% đến 7,2%; tỷ trọng giá trị sản xuất của lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông lâm thủy sản từ 3,9 đến 4%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6,7 tỷ USD; độ che phủ rừng 42%. |
Theo Thời báo Tài chính VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn