Đắk Lắk có gần 5.000 ha bơ, sản lượng hằng năm đạt khoảng 350.000 tấn quả tươi, tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Cư Kuin, Krông Pắc… Riêng trái bơ sáp đã có thương hiệu Bơ DAKADO, năm 2011, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã chuyển giao quyền sở hữu thương hiệu này cho Công ty TNHH Thu Nhơn. Từ đó giá trị trái bơ từng bước được nâng tầm, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng từ trong nước ra nước ngoài. Hiện tại, doanh nghiệp này đã liên kết với hơn 300 hộ trồng bơ ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và Krông Ana với vùng nguyên liệu gần 500 ha theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Theo đó, trái bơ được kiểm soát chất lượng từ khâu chọn giống đến trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và phân phối theo mô hình chuỗi giá trị. Sản phẩm cũng phải bảo đảm các tiêu chí là không phun thuốc trừ sâu, cây không bón nhiều phân hóa học, chất lượng tốt, trọng lượng đạt 2 quả/kg hoặc 3 quả/2kg. Bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, Giám đốc công ty cho biết, Bơ DAKADO hiện đã được tiêu thụ khắp cả nước, có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn như MegaMarket, CoopMart, Big C, Vinatex, Vinmart và xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan với tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó đặc biệt chú trọng đến sản xuất rau, vùng cây ăn quả và chè. Tuy nhiên, qua đánh giá, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (nông sản an toàn) hiện vẫn chỉ dừng lại ở dạng mô hình mà chưa được nhân ra diện rộng.
Từ năm 2020 sẽ hình thành các vùng nông nghiệp, thủy sản tập trung áp dụng VietGAP vào sản xuất; trên 80% cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản quy mô lớn được tập huấn, huấn luyện phương pháp sản xuất, chế biến nông sản theo quy trình VietGAP; xây dựng được 72 mô hình VietGAP; 100% cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản được hỗ trợ kinh phí khi áp dụng VietGAP; 100% sản phẩm có chứng nhận VietGAP được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng…
Được biết, hiện nay ngành nông nghiệp xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và ngành đang tập trung triển khai thực hiện. Trọng tâm là nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và tự động hóa vào công tác lai tạo giống, canh tác và bảo quản, chế biên nông sản.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp an toàn làm cơ sở để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành vùng sản xuất lớn; tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ áp dụng VietGAP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, sơ chế, kinh doanh; xây dựng tối thiểu 18 mô hình VietGAP/năm (mỗi địa phương thực hiện 1 mô hình/năm, sở NN-PTNT 3 mô hình/năm)…
Theo kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao( CNC )tại Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh; đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đối với các cây: cà phê với diện tích 40.000 ha, hồ tiêu 3.000 ha, bơ 3.000 ha, lúa lai F1 840 ha, ngô cao sản 46.000 ha, rau an toàn 1.000 ha. Một số địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Pắc… cũng đã quy hoạch khu vực phát triển nông nghiệp CNC.
Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, thời gian qua, địa phương đã cử cán bộ tham quan, tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại tại TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… để áp dụng trên địa bàn. Đặc biệt, Trung tâm Dạy nghề huyện đã trồng khảo nghiệm thành công giống dưa lưới Chu Phấn có xuất xứ từ Đài Loan. Mô hình này sẽ được chuyển giao cho người dân nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị.
Các ngành liên quan không ngừng đồng hành hỗ trợ cùng nông dân hình thành những vùng sản xuất VietGAP theo quy mô lớn, gắn với vai trò của doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh để duy trì, mở rộng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm chủ lực như: chè, cam và một số sản phẩm chăn nuôi khác, tiến hành quảng bá, giới thiệu, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm. Tổ chức chợ, khu vực buôn bán tập trung để nông dân có thể dễ dàng đem sản phẩm của mình tiêu thụ… Có như vậy, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP mới thật sự bền vững, đi vào nề nếp, khoa học.
Giang San/ Báo Thương gia và Thị Trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn