Còn nhiều vướng mắc, bất cập
Thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân", các huyện, thị xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) được gần 61.400ha/76.365ha, đạt 80,36%. Sau hơn 20 năm thực hiện giao đất nông nghiệp theo NĐ64 cho hộ gia đình, cá nhân và hơn 3 năm thực hiện DĐĐT trên địa bàn thành phố cho thấy, không chỉ tăng hiệu quả sử dụng đất đai mà còn khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân...
|
Vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý đất nông nghiệp. Ảnh: Bảo Lâm |
Theo quy định tại NĐ64, đối tượng được giao đất sử dụng ổn định lâu dài là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương, kể cả những người đang làm nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, căn cứ vào quỹ đất, nhu cầu sử dụng, chính quyền cấp xã đã đề nghị giao đất cho những người sống bằng nghề nông cư trú tại địa phương, nhưng chưa có hộ khẩu thường trú; xã viên HTX NN trước đây chuyển sang làm ở các HTX tiểu thủ công nghiệp, nay không có việc làm; con cán bộ, công chức sống ở địa phương đến tuổi trưởng thành, nhưng không có việc làm... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập. Nổi cộm là một số bệnh binh, bộ đội xuất ngũ hay những trường hợp lấy vợ hoặc chồng, chuyển đến địa phương khác sinh sống, nhưng tại địa phương cũ thì chưa có phương án giao đất, còn địa phương mới chuyển đến đã hoàn thành việc giao đất. Tình trạng trẻ em sinh ra trước hoặc tại thời điểm giao ruộng, nhưng chưa được bổ sung vào phương án giao đất, trong khi những người được chia ruộng thì đã mất hoặc chuyển ngành nghề khác, thoát ly khỏi nông nghiệp vẫn còn ruộng, dẫn đến việc tị nạnh, khiếu kiện phức tạp...
Đồng bộ các giải pháp
Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, hiện diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố chưa giao theo NĐ64 đã được cấp huyện phê duyệt phương án là 3.398ha với 16.391 hộ gia đình, cá nhân; đất nông nghiệp công ích và đất nông nghiệp khó giao 11.136ha và đất nông nghiệp giao theo NĐ64 còn lại 126.965ha. Ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Đăng ký thống kê đất đai (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết, trong quá trình giao đất nông nghiệp, các địa phương phân ra làm 4 loại: Đất giao theo NĐ64, đất sử dụng vào mục đích công ích 5%, quỹ đất vượt 5% và đất nông nghiệp khó giao. Thực tế, việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ích, đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến tình trạng lấn, chiếm đất công, xây dựng trên đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng, cho thuê, cho mượn diễn ra phổ biến. Nan giải nhất là quỹ đất bãi bồi ven sông chưa được quản lý chặt chẽ, sử dụng tùy tiện, khó kiểm soát. Mặt khác, để bảo đảm công bằng, khi lập phương án giao đất cho hộ gia đình, cá nhân có ruộng gần, ruộng xa, ruộng tốt, ruộng xấu nên thửa đất manh mún, phân tán; sơ đồ vị trí, ranh giới thửa đất cũng không được thể hiện rõ ràng, nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp. Sau thực hiện DĐĐT, nhiều nơi hiện trạng ghi không đúng với bản đồ nên khó khăn trong việc quản lý đất đai...
Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trước hết, cùng với việc xác định chính xác 4 quỹ đất nông nghiệp đã giao, các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát lại phương án giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo NĐ64, nhưng chưa hoàn thành thì phải tiếp tục thực hiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Với địa phương chưa hoàn thành phương án giao đất theo NĐ64, UBND TP Hà Nội nên xem xét cho phép cấp huyện căn cứ quỹ đất nông nghiệp hiện có của địa phương, nhất là những nơi sau khi DĐĐT diện tích dôi dư tiếp tục thực hiện giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu. Cùng với việc đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm theo quy định của pháp luật...