Giá mít thái tăng mức ổn định 45.000 đồng/kg |
Anh Thới, một nông dân tại ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, bán trái mít gần 30kg, với chia sẽ: Bán trái mít này cầm chắc trong tay được 1,4 triệu đồng.
Vườn mít thái hơn 1.300 cây của gia đình anh Thới thu 2 đợt tổng cộng 25 tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ đồng...
Điệp khúc “thừa hàng, dội chợ” không còn quá xa lạ đối với nông dân vùng ĐBSCL, nếu như trong 2 năm liên tiếp 2015 và 2016, người trồng mít Thái lao đao vì giá xuống thấp, không có người mua, mít rụng đầy vườn, thì bước sang năm 2017, giá mít có dấu hiệu phục hồi và dao động 15.000 đồng/kg - 25.000 đồng/kg, nhà vườn vui mừng, phấn khởi.
Với giá trên đã giúp nông dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng nếu trồng khoảng 500 cây mít. Niềm vui của nhà vườn như được nhân đôi khi giá bán liên tục tăng từ đầu năm 2018 đến nay, với mức từ 25.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg và hiện tại giá mít giữ vững ở mốc 45.000 đồng/kg trong vòng 2 tháng qua.
Do mít dễ trồng, xen canh vẫn cho năng suất tốt, bình quân mỗi cây mít cho năng suất 3- 4 trái/vụ, tùy vào thể trạng cây và mít cho trái quanh năm, vụ nghịch vào các tháng 5, 6 và 7, lúc này giá mít cao, các tháng còn lại mùa thuận, tuy nhiên vẫn tùy thuộc vào giá thị trường, lúc nào hút hàng thì mít thái sẽ tăng giá. So với các loại cây trồng khác, mít Thái là loại cây trồng đem về lợi nhuận “siêu khủng”, do ít tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không mất tiền thuê nhân công lúc thu hoạch, thương lái tự ra vườn lựa chọn mít để hái.
Ông Phan Hải Hoàng Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Tổng diện tích trồng mít Thái trên địa bàn xã ước 1.000ha, được bà con nhà vườn trồng chuyên canh và xen cùng một số loại cây ăn trái khác. So với các năm trước thì giá mít hiện nay cao gấp nhiều lần, giá mít tăng nhưng địa phương không khuyến khích người dân mở rộng diện tích, vì còn phụ thuộc nhiều thị trường Trung Quốc, khi nước bạn cần hàng thì giá tăng ồ ạt, ngược lại, có lúc giá mít rớt thê thảm. Do vậy, địa phương tuyên truyền người dân giữ diện tích hiện có, không trồng mới, nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu”.
Hồ Oanh/ Người tiêu dùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn