Chân dung cố vấn
Jeff Hoffman là một trong hơn 500 tỷ phú của Mỹ, người đứng sau một loạt công ty công nghệ đã lên sàn chứng khoán như Priceline, Ubid và start-up đình đám như Alibaba. Ông xuất thân là một kỹ sư công nghệ trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh. Gần đây, ông hay đến Việt Nam để chia sẻ các câu chuyện liên quan đến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Trần Việt Hùng (áo đen) cùng đội ngũ cố vấn đến từ Mỹ của GotIt |
Theo Jeff, có 3 lý do khiến những doanh nhân nên trở thành cố vấn:
Thứ nhất là niềm tự hào dân tộc. Tất cả các doanh nhân đều có khát vọng cống hiến cho đất nước và những doanh nhân trẻ chính là tương lai của đất nước. Việc trở thành cố vấn cho những người trẻ là cách xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Thứ hai là học tập và trau dồi. Việc trở thành một cố vấn chính là cách học tập nhanh nhất từ thế hệ trẻ. Đó là động lực của những doanh nhân luôn muốn học thêm những điều mới mẻ.
Thứ ba là thấy trước những điều vĩ đại của tương lai start-up hay cá nhân người sáng lập đó.
Guy Kawasaki, một chuyên gia marketing và tăng trưởng, là một trường hợp khác. Ông từng là đại sứ thương hiệu cho Mercedes-Benz và thành viên điều hành của Trường kinh doanh Haas (UC Berkeley), là nhà truyền đạo chính của Apple và là người quản lý Quỹ Wikimedia. Ngoài ra, ông còn sở hữu nhiều cuốn sách về nghệ thuật và truyền thông xã hội.
Hiện Guy Kawasaki là một trong 11 cố vấn của GotIt tại Silicon Valley - start-up do Trần Việt Hùng sáng lập và làm Chủ tịch. Ông đã đưa ra những hỗ trợ chân thành, thậm chí từng hỗ trợ tài chính cho GotIt trong những ngày đầu tiên mà không hề kỳ vọng sẽ nhận lại được bất cứ lợi ích cụ thể nào. Ông làm vậy với GotIt với lý do rất đơn giản là ông thích và tin các doanh nhân gốc Á.
Làm thế nào chọn cố vấn tốt?
Rất nhiều bạn trẻ không dám xin lời khuyên, bởi họ hoặc rất nhút nhát, hoặc quá kiêu ngạo. Trong khi đó, tất cả những doanh nhân thành công trên thế giới như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Richard Branson luôn thừa nhận, họ từng có một người cố vấn tốt, hoặc nhờ nghe theo lời khuyên của ai đó mà có được thành quả.
Trần Việt Hùng cho biết, ở mỗi lĩnh vực, start-up cần quen biết một ai đó giỏi để có thể trực tiếp giúp mình hoặc kết nối với những người có thể giúp mình. Ở Việt Nam, GotIt chưa có nhiều hoạt động liên quan tới kinh doanh, chủ yếu là kỹ sư, nên chưa có mạng lưới cố vấn mạnh như ở Mỹ. “Ở Việt Nam, có những người không biết gì về khởi nghiệp cũng đi làm cố vấn. Lắng nghe những người đó rất mất thời gian”, anh khẳng định.
Chuyện chọn cố vấn thế nào còn phụ thuộc vào mong muốn của từng start-up. Nhiều sáng lập chỉ cần cố vấn vì cái tên, còn ở GotIt, cố vấn đều là những người có đóng góp công sức cho sự phát triển của Công ty. Các start-up hãy chọn những người như vậy.
Các sáng lập start-up nên tránh những cố vấn không hiểu rõ lĩnh vực mình đang triển khai, đồng thời phải đảm bảo cố vấn có đủ thời gian và mối quan tâm dành cho mình. Tuy nhiên, start-up cũng đừng cắt đứt hoàn toàn với những cố vấn này, họ có thể mang lại những mối quan hệ kinh doanh chủ chốt khác.
Để chọn được cố vấn tốt, start-up cũng phải biết rằng, mình cần sự cố vấn trong phạm vi nào. Không biết rõ điều mình tìm kiếm, bạn sẽ không biết được khi nào có thể thấy nó. Những người làm mảng kỹ thuật sẽ sa lầy vào việc giải quyết rắc rối kỹ thuật, trong khi điều họ cần là giúp đỡ về tài chính, marketing.
Tuy nhiên, khi có cố vấn rồi, start-up lại loay hoay với việc phải làm thế nào khi cố vấn muốn tham gia và có cổ phần trong công ty, nhưng lại khó có thể kiểm soát được công sức đóng góp.
Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Công ty VMCG (chuyên đầu tư vào doanh nghiệp công nghệ) và Công ty IZZI ASIA (đầu tư vào doanh nghiệp F&B), đồng thời là cố vấn cho nhiều start-up, cho rằng, nếu cố vấn là người biết giúp start-up kinh doanh bằng cách trực tiếp kinh doanh hoặc giới thiệu mối quan hệ có thể tạo ra tiền thì mới nên chấp nhận cho họ nhập cuộc. Theo đó, start-up có thể ký cam kết về mốc doanh số có thể đạt được để đổi lấy cổ phần.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn