Cơ hội vàng tận dụng vốn tốt
Trong 8 tháng năm 2018, TP.HCM đã triển khai hiệu quả 7 chương trình đột phá của thành phố và 21 chương trình, đề án, chính sách của ngành nông nghiệp như: Chương trình phát triển rau an toàn, hoa cây kiểng, bò sữa, bò thịt, giống cây – con chất lượng cao, cá cảnh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xúc tiến thương mại, chuỗi an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
Việc ban hành các chương trình, cơ chế, chính sách đã giúp người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, trong đó tập trung vào 2 đối tượng thế mạnh của thành phố là hoa kiểng và rau an toàn. Một trong những chính sách đem lại hiệu quả tích cực trên là chính sách về vốn. Theo đó, ngay từ năm 2016, Thành phố đã ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND áp dụng đối với hỗ trợ phát triển chương trình hoa cây kiểng và rau an toàn.
Quyết định trên được xem là cơ hội vàng cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể quy định hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 100% lãi suất khi đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm trong sản xuất hoa cây kiểng và rau an toàn; sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp tốt và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp chứng nhận (rau an toàn). Hỗ trợ 80% lãi suất khi đầu tư mua giống, vật tư, nhiên liệu và trả công lao động sản xuất hoặc ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với đầu tư sản xuất hoa lan, cây kiểng.
Dưa lưới trồng trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao.
Kết quả, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố 8 tháng năm 2018 ước đạt 7.966 tỉ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: Trồng trọt đạt 2.035 tỉ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ; diện tích gieo trồng rau đạt 11.239 ha, tăng 18,8% so cùng kỳ. Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.138 ha, tăng 6,8% so cùng kỳ (trong đó hoa lan đạt 365 ha, tăng 4,3% so với cùng kỳ).
Thêm cơ hội tiếp cận
Cũng nằm trong chương trình thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể là việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất hoa lan,để kết nối giữa các đơn vị sản xuất giống cấy mô với các nhà sản xuất nhằm hỗ trợ tiêu thụ giống cấy mô; hỗ trợ phát huy tối đa tiềm năng, đáp ứng nhu cầu cây giống cấy mô của các nhà vườn, theo tin từ Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, vào cuối tháng 9, Sở NNPTNT thành phố sẽ tổ chức hội thảo “Sản xuất và cung ứng cây giống cấy mô”.
Công nghệ sinh học đã cho ra đời nhiều giống mới, lạ, giá trị kinh tế cao
Ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, cho biết: “Hội thảo lần này vừa cung cấp thông tin mới về lĩnh vực công nghệ sinh học, nhất là về sản xuất giống cấy mô, bên cạnh đó cũng nắm bắt nhu cầu của sản xuất”
Cũng theo ông Xô, dự kiến, hội thảo sẽ được tổ chức tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, với sự tham dự của các đại biểu, gồm: Các đơn vị hoạt động khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ sinh học về nuôi cấy mô tại thành phố và các tỉnh; Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh; các đơn vị sản xuất giống cây cấy mô, các hợp tác xã, tổ hợp tác xản xuất và dịch vụ hoa kiểng tại thành phố, các chủ nhà vườn trồng hoa kiểng cấy mô tại các tỉnh...
Sản xuất giống cây lan cấy mô, đáp ứng cho yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Ảnh: IT
Chị Trần Thị Mỹ Trinh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM, chủ một mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành với quy mô gần 1,7 triệu cành/năm, cho biết: “Hiện nay, số lượng vườn trồng nhiều, cạnh tranh đầu ra gay gắt. Cho nên, muốn có lãi bắt buộc phải tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt là phải tìm ra các giống mới, đẹp và lạ hơn”.
Chị Trinh chia sẻ thêm, ngoài việc tự nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, việc tham gia các lớp tập huấn, các hội thảo cũng là cơ hội tốt để học hỏi, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào trong sản xuất.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn