Để giải quyết tình trạng trên, đã có nhiều chính sách tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng hay liên kết “4 nhà” đã ra đời. Khởi nguồn là sự ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg vào ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính Phủ về Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; tiếp đến là Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Trong năm 2018 đã có Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ban hành vào ngày 5/7/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2018. Theo đó, Nhà nước đảm nhận các khâu hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ Khuyến nông, đào tạo, tập huấn về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm,… Các bên tham gia liên kết được hỗ trợ phải đáp ứng đồng thời các điều kiện: phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; liên kết đảm bảo ổn định.
Tuy nhà nước đã có nhiều chính sách tạo những hành lang pháp lý, thúc đẩy việc liên kết bền vững nhưng tình hình liên kết, sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn chưa được cải thiện đáng kể, cần được tháo gỡ trong quá trình triển khai để liên kết sản xuất thực sự bền vững.
Vừa qua, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học & Công nghệ, tổ chức Chương trình “Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam” lần 9 với chủ đề "Liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp và truy xuất nguồn gốc sản phẩm” và kết nối cung cầu tại TP.Hồ Chí Minh, với sự tham gia, hỗ trợ của các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp chế biến, các hợp tác xã và trang trại.
Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gặp gỡ các doanh nghiệp, trang trại, nông dân để chia sẻ, trao đổi những khó khăn vướng mắc trong liên kết chuỗi giá trị, từ đó tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ. Chương trình cũng là dịp để kết nối cung cầu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu, hợp tác đầu tư, giới thiệu thiết bị công nghệ mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Chương trình đã giới thiệu gần 150 sản phẩm nông nghiệp từ các tỉnh, thành nhằm kết nối cung cầu trực tiếp với tiêu chí “cùng quảng bá sản phẩm và thương hiệu, cùng tiêu thụ sản phẩm, cùng giúp nhau làm ăn hiệu quả”.
Trong khuôn khổ Chương trình còn diễn ra Tọa đàm về chủ đề "Liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp và truy xuất nguồn gốc sản phẩm”. Theo PGS.TS. Mai Thành Phụng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam: “Hiện nay ở nước ta chỉ dưới 10% sản phẩm nông nghiệp có chứng nhận theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, còn lại 90% là nông dân tự sản xuất. Đây mới là khó khăn. Do vậy chúng ta phải có 02 hướng giải pháp. Hướng thứ nhất là thúc đẩy những mô hình sản xuất tốt, có hiệu quả, giúp nông dân học tập, làm theo, nhưng phải trong quy mô kiểm soát chứ không nên làm tràn lan sẽ tạo ra cung vượt cầu. Gần đây Tp.HCM đưa ra nhiều mô hình nông nghiệp đô thị sản xuất công nghệ cao như rau, hoa trong nhà màng, nhà lưới,… đây là những mô hình hấp dẫn với cơ chế thị trường hiện nay, mang tính sáng tạo, bền vững. Hướng thứ hai là thúc đẩy 90% người nông dân sản xuất nhỏ lẻ còn lại phải gia nhập vào Hợp tác xã để cùng nhau sản xuất, tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có truy xuất rõ ràng,… Vì vậy, ngoài những kênh thông tin hỗ trợ nông dân về chuyển giao kỹ thuật của khuyến nông hay những lớp dạy nghề ngắn hạn của các Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Nông dân,… nông dân hãy là người sản xuất thông minh, phải biết tự nâng cao tay nghề, kỹ năng chuyên môn từ các kênh thông tin khác như sách, báo, internet,… để mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao cho từng mô hình thực hiện”.
M.Hiếu
TT Khuyến nông TP.HCM/ Khuyennong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn