Thời gian qua, ngành chăn nuôi ở nước ta gặp vô vàn khó khăn về thị trường và dịch bệnh. Để phát triển bền vững, ngành chăn nuôi phải tái cơ cấu. Đây là một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu quan tâm tại Hội nghị triển khai công tác chăn nuôi-thú y toàn quốc, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày hôm qua (26-8), tại Hà Nộ
Nhập nhiều hơn xuấtTheo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 2,6 triệu con trâu (giảm 0,6% so với năm 2013), đàn bò 5,2 triệu con (tăng 0,7%), đàn lợn 26,4 triệu con, gia cầm 314 triệu con.
|
Nuôi đà điểu ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. |
Mặc dù ngành chăn nuôi nước ta có bước tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với gia súc lớn như trâu, bò. Đây cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam tiếp tục gia tăng nhập khẩu các loại gia súc và sản phẩm từ gia súc. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu 1.941 tấn thịt lợn (tăng 9,4% so với cùng kỳ), thịt gà 51.005 tấn (tăng 22,2%); nhập khẩu 150.479 con trâu, bò (tăng 11,6%, chưa tính số trâu, bò nhập lậu, tiểu ngạch khoảng 200.000 con), lợn giống nhập khẩu là 1.656 con, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2013, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 5,9 triệu tấn (trị giá 2,42 tỷ USD). Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi khá khiêm tốn: Trứng muối 10,8 triệu quả, sữa các loại (khoảng 92 triệu USD), 25.993 tấn mật ong (trị giá 57 triệu USD), thức ăn chăn nuôi 206,4 triệu USD...
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận xét: Bên cạnh những kết quả đạt được, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi vẫn còn chưa bền vững, giá trị gia tăng thấp, vốn đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi còn hạn chế, công tác quản lý còn bất cập… Trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đến nay mới chỉ có 17/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án hoặc xây dựng Kế hoạch hành động. Nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai Đề án về xác định mục tiêu, giải pháp thực hiện.
Khác với quy luật những năm gần đây, từ đầu năm đến nay, giá các sản phẩm chăn nuôi ở phía Nam biến động nhiều và tăng cao hơn các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung, nhất là với giá lợn và gà lông màu. Giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc luôn thấp hơn các tỉnh phía Nam từ 5000-8000 đồng/kg và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cân bằng trở lại. Nguyên nhân là do sau một thời gian chăn nuôi lợn không có lãi, người chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam giảm đàn hoặc ngừng nuôi đã ảnh hưởng đến nguồn cung lợn cho khu vực này. Ngược lại, khu vực phía Bắc, lợn siêu nạc được mở rộng quy mô đàn, nguồn cung lớn nên giá lợn giảm so với khu vực phía Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thẳng thắn nhìn nhận: Chăn nuôi của Việt Nam trong thời gian qua có tăng trưởng, nhưng vẫn là ngành yếu kém nhất trong lĩnh vực nông nghiệp do năng suất thấp, giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường.
Con giống, thức ăn chăn nuôi-bước “đột phá” để chăn nuôi phát triển
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi nêu ý kiến: Để ngành chăn nuôi phát triển, không nên quá chú trọng gia tăng số lượng mà cần tập trung nâng chất lượng. Muốn làm được điều này, không có cách nào khác là áp dụng khoa học-công nghệ. Ngành chăn nuôi phải tập trung quản lý nâng cao chất lượng con giống, đây là vấn đề mấu chốt để tăng chất lượng, sản lượng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tập trung quản lý chất cấm trong chăn nuôi; rà soát, khẩn trương sửa đổi Pháp lệnh Giống vật nuôi (hiện đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, khiến con giống không đảm bảo chất lượng vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi).
Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thanh Sơn, ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho rằng: Chăn nuôi chỉ có thể phát triển được khi chất lượng con giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu ngành thú y cần phải tập trung, chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; quản lý thuốc thú y; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn. Đồng thời để thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, cần chú trọng đến các phương pháp và cách tiếp cận mới trong quá trình triển khai, hướng đến tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm ngành chăn nuôi thông qua nâng cao chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ tập trung và tiêu thụ gắn với thị trường, đặc biệt hướng tới xuất khẩu. Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam thực hiện ký kết các Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới. Dự báo, chăn nuôi sẽ là ngành chịu nhiều tác động bất lợi nhất khi Việt Nam tham gia TPP. Như vậy, nếu không muốn “bại trận” ngay trên sân nhà, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm gia tăng "sức mạnh” trước các đối thủ cạnh tranh.
Theo qdnd.vn