Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng lắng nghe các vướng mắc và đề xuất để thực hiện tái cơ cấu từng lĩnh vực trong toàn ngành nông nghiệp tại Bộ NN&PTNT. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Tuy nhiên, việc tạo chuyển biến mạnh mẽ tại địa phương đòi hỏi cần có nhiều chính sách đầu tư phù hợp để hướng doanh nghiệp vào ngành nông nghiệp.
Ngày 25/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp lắng nghe các vướng mắc và đề xuất để thực hiện tái cơ cấu từng lĩnh vực trong toàn ngành nông nghiệp tại Bộ NN&PTNT.
Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành phố ban hành đề án (hoặc kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo sẽ ban hành đề án của tỉnh trong tháng 8 này).
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện đề án này.
Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng, mục tiêu và các giải pháp chính của đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các địa phương, Bộ đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện 12 đề án, kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trong các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản, thủy lợi) và các nhóm giải pháp chính xuyên suốt (đổi mới cơ chế chính sách; tái cơ cấu đầu tư công; phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức lại sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước).
Sau 3 năm thực hiện đề án, cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh liên kết theo chuỗi được phát triển; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Nhờ đó, sản lượng của hầu hết các loại nông sản có thị trường tiêu thụ tốt đều tăng mạnh, nhất là tôm, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, sắn, trái cây...
Đặc biệt, việc cải cách thể chế, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ được coi là nội dung trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.
Hiện Bộ NN&PTNT đã cổ phần hóa 90% doanh nghiệp thuộc Bộ, đồng thời đã thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp trên toàn bộ 49 tỉnh/thành phố và đang hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện phương án đã được phê duyệt.
Sau khi Luật Hợp tác xã (HTX) có hiệu lực, số lượng HTX tiếp tục tăng, trung bình tăng 321 HTX/năm. Năm 2015 có 18 liên hiệp HTX nông nghiệp và 11.127 HTX nông nghiệp; chất lượng HTX bước đầu có thay đổi, số HTX nông nghiệp đạt loại khá, giỏi đã tăng lên, chiếm tỉ lệ 35% HTX toàn ngành. Đã xuất hiện ngày càng nhiều HTX hoạt động theo luật, dần thích nghi với cơ chế thị trường và là “bà đỡ” thực thụ cho kinh tế hộ nông dân. Cả nước cũng đã có 56.504 tổ hợp tác trong nông nghiệp, so với năm 2011 tăng 31%, trên tất cả các lĩnh vực của ngành.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Tăng trưởng của ngành chưa vững chắc, tốc độ tăng trưởng quý I/2016 giảm.
Việc triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Nhiều địa phương đã sớm triển khai và quyết liệt chỉ đạo, đạt được kết quả khá rõ nét (Đồng Tháp, Lâm Đồng, Hà Tĩnh…), nhưng vẫn còn nhiều địa phương triển khai chậm.
Cùng với năng suất chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; tình trạng buôn bán vật tư giả, chất lượng kém, lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất vẫn diễn ra phức tạp. Thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện; tỉ lệ hộ nghèo còn cao.
Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, nhưng quan trọng nhất là vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai, việc triển khai thực hiện nhiều chủ trương chính sách đã ban hành còn chậm.
Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của các tổ chức Nhà nước hiệu quả chưa cao, trong khi sự tham gia của doanh nghiệp, sự liên kết giữa các tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế. Cùng với đó, nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn hẹp. Việc thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế còn hạn chế.