Ngày 17.5, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, qua gần 1 năm triển khai thực hiện đề án, Bộ đã tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các địa phương và nhu cầu thị trường. Trước hết tập trung đối với cây lúa theo hướng giảm diện tích gieo trồng lúa ở những nơi không có lợi thế, hiệu quả sản xuất thấp sang trồng các loại cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn.
Trong 6 tháng cuối năm 2013, đầu năm 2014, Bộ đã phối hợp với các địa phương, hướng dẫn nông dân chuyển đổi trên 87.000ha lúa sang trồng ngô, vừng, rau… Về lĩnh vực thủy sản: đến năm 2013, hàng thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt kim ngạch 6,7 tỷ USD, đưa ngành thủy sản vào danh sách 10 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới…
Những diện tích lúa kém hiểu quả sẽ chuyển sang cây trồng khác.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, phương châm chủ trương của toàn ngành trong thực hiện tái cơ cấu là “Phát huy lợi thế-nâng cao chất lượng hiệu quả-phát triển bền vững”. Trong 2 năm tới đề nghị các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức tạo sự quyết tâm cao trong toàn ngành. Tái cơ cấu không phải là điều chỉnh và ứng phó với tình huống, tái cơ cấu là sự điều chỉnh những điều rất căn bản của nền nông nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, quá trình tái cơ cấu là vấn đề khó không chỉ ở ngành nông nghiệp và những kết quả mới chỉ ở bước đầu khi tỷ lệ lao động, cơ cấu ngành, đóng góp của nông nghiệp trong nền kinh tế vẫn chưa tương xứng. Theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp và nông dân trong mục tiêu tổng thể và là bước đi tất yếu của quá trình tái cơ cấu, đưa nông nghiệp phải sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao hơn, có tính tổ chức hoặc có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, với thị trường.
“Trong năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, có rất nhiều yếu tố đến từ nông nghiệp và Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển và làm giàu từ nông nghiệp, miễn là có giải pháp đúng, mô hình liên kết đúng, năng động và sáng tạo để đưa ra mục tiêu tăng trưởng bền vững hợp lý”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Danviet.vn