Không tái đàn ồ ạt
Theo Cục Thú y, đến thời điểm này có 9 tỉnh với trên 85% số xã qua 30 ngày không có DTLCP quay trở lại. Trong đó, tỉnh Hưng Yên đã công bố không có dịch quay trở lại nhờ thực hiện tốt các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Người chăn nuôi xã Việt Ngọc (huyện Tân Yên, Bắc Giang) áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp chăn nuôi an toàn. Ảnh: Minh Ngọc
"Bà con cần áp dụng phương thức quản lý “cùng vào cùng ra” theo thứ tự ưu tiên: Cả khu, dãy chuồng, ô chuồng. Nên áp dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi. Trang trại chăn nuôi lợn phải lập sổ ghi chép, lưu trữ mọi thông tin trong quá trình quá trình chăn nuôi…”. Bà Hạ Thúy Hạnh |
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên cho biết, 151/151 xã, phường trên địa bàn đã công bố hết dịch và hiện nay tỉnh đang tập trung cho việc tăng đàn, tái đàn lợn.
Để tái đàn an toàn, thành công, tránh để DTLCP tái phát và lây lan trở lại, UBND tỉnh, Sở NNPTNT tỉnh đã lên kế hoạch, chủ động tái đàn có trọng điểm, chăn nuôi an toàn với hệ thống chuồng trại khép kín, nguồn thức ăn đảm bảo, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh; thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại…
Do DTLCP là dịch bệnh phức tạp, chưa có vaccine, thuốc chữa bệnh nên Hưng Yên cũng không chủ quan tái đàn ồ ạt mà ưu tiên tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi khép kín, áp dụng phương pháp an toàn sinh học, con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, phải được nuôi cách ly ban đầu, sau đó lấy mẫu xét nghiệm âm tính thì mới nhập đàn; đồng thời yêu cầu tiêm phòng bắt buộc các loại vaccine phòng bệnh.
Hưng Yên cũng vận động các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tái đàn tại thời điểm này bởi chuồng trại nhỏ của các gia hộ không khép kín, nguồn thức ăn chưa tự chủ nên rất dễ để DTLCP tái phát. Được biết, để hỗ trợ người chăn nuôi, Chi cục Thú y Hưng Yên đã cấp phát 17.000 lít hóa chất khử trùng cho các địa phương, ưu tiên phun khử trùng tại những nơi có ổ dịch cũ, khu vực chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm...
Tại Bắc Giang, hiện đã có 208/230 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch, vì vậy UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tái đàn. Trong đó, tỉnh xác định thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sinh học; khuyến khích các trang trại, HTX chăn nuôi quy mô nhỏ tham gia chuỗi HTX, đồng thời tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ thú y cơ sở để nắm được quy trình tái đàn an toàn và kiểm soát tốt việc ngăn chặn dịch bệnh quay lại.
Ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc HTX Chăn nuôi hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết, mô hình chăn nuôi lợn của HTX đang có trên 10 hộ gia đình tham gia. Sau khi địa phương bùng phát dịch tả lợn châu Phi, để đảm bảo đàn lợn khỏe mạnh và phát triển bình thường, ngoài việc phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột làm sạch chuồng trại, HTX đã hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi sử dụng bộ chế phẩm vi sinh để đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Tại trang trại của anh Nguyễn Văn Chuyết - thành viên HTX Hữu cơ Bình Minh, đàn lợn hơn 400 con vẫn rất khỏe mạnh, phát triển đều, chuồng trại được phun thuốc khử trùng ở vòng ngoài, còn vôi bột cũng được rải trắng xóa khắp nơi.
“Để giữ được đàn lợn phát triển tốt, không bị dịch bệnh, tôi đã sử dụng các chế phẩm sinh học, ngoài ra phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại”- anh Chuyết nói.
Nắm vững quy trình an toàn sinh học
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, theo Quyết định 4527 của Bộ NNPTNT, điều kiện để tái đàn là khi địa phương không còn ổ DTLCP đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Ban đầu chỉ nên tái đàn 10%, sau 1 tháng xét nghiệm âm tính với virus dịch bệnh thì mới mở rộng quy mô. Việc tái đàn phải đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học.
Cụ thể, phải kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực chăn nuôi. Chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh, như chuột, chim, ruồi…
Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, lợn nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Thức ăn và nước uống bảo đảm chất lượng. Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, người chăn nuôi cần lưu ý, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển. Chất thải phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hoá chất, hoặc xử lý bằng biện pháp sinh học phù hợp.
Về vấn đề tái đàn lợn, bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng nhấn mạnh, chỉ những cơ sở, trang trại đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học mới nên tái đàn thời điểm này, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư tuyệt đối không nên nuôi trở lại. Thực tế đã có nhiều nơi dịch bệnh tái phát do người dân tự ý tái đàn.
Thiên Hương/http://danviet.vn/
Xem bài viết gốc tại đây!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn