Làng nghề phát triển ổn định, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân song đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm.
Mở rộng quy mô
Nghi Kiều hiện có khoảng 100ha nghệ, chủ yếu được trồng ở vùng đồng Khe Xuyên thuộc 2 xóm 17 và 18. Do diện tích tăng và năng suất khá cao, trung bình khoảng 30 tấn/ha nên sản lượng nghệ củ thu hoạch khá lớn.
Toàn xã có khoảng 200 hộ trồng nghệ và làm dịch vụ chế biến tinh bột nghệ, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương; thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ mở rộng quy mô sản xuất để bao tiêu nghệ củ hoặc nhận gia công tinh bột nghệ cho các gia đình khác ở trong và ngoài địa phương
Nhiều người trồng nghệ cho biết, quy trình sản xuất hoàn toàn bằng máy, đáp ứng được tiêu chí về chất lượng và an toàn vệ sinh. Để có tinh bột nghệ tốt, đầu tiên nghệ củ được đưa vào máy rửa thật sạch, không lẫn đất cát. Sau đó nghệ được xay nhuyễn và ngâm trong nước sạch một thời gian, rồi đem vắt lọc lấy tinh bột. Trước đây vắt bằng tay, giờ tất cả đều bằng máy.
Gia đình chị Hoàng Thị Hằng ở xóm 17 đầu tư gần 100 triệu đồng làm nhà xưởng, giếng khoan, mua máy lọc nước RO, máy ép lọc vắt, máy sấy tinh bột nghệ. Mỗi ngày, chị nhận gia công hơn 1 tấn nghệ cho bà con trong vùng; mỗi vụ khoảng 300 tấn củ.
Hay như anh Lê Văn Thường ở xóm 15B đã đầu tư mở xưởng chế biến tinh bột nghệ tại xóm 18. Hiện, dây chuyền sản xuất đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Anh Thường cho biết, mỗi ngày có thể chế biến 5 tấn nghệ củ, cho hơn 3 tạ sản phẩm tinh bột nghệ.
Tuy nhiên, hiện sản phẩm của làng nghề đang gặp khó khăn về tiêu thụ do chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Kéo theo đó, giá sản phẩm giảm mạnh trong mấy năm trở lại đây. Năm 2012, giá tinh bột nghệ 1.000.000 - 1.200.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 200.000-300.000đồng/kg. Chị Hằng cho biết thêm: “Sản phẩm tinh bột nghệ gia đình chủ yếu bán cho thương lái nhỏ và nguồn khách hàng phải tự liên hệ”.
Sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn VSATTP.
Do vậy, việc cấp thiết hiện nay là tạo dựng thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng, đưa sản phẩm từ nghệ đến thị trường tiềm năng trong và ngoài nước.
Cần sự hỗ trợ
Ông Nguyễn Đình Nguyên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Nghi Kiều, cho biết: “HTX kết hợp với UBND xã đang xây dựng mô hình quản lý chất lượng sản phẩm theo “3 có” (Có nhãn mác, có tiêu chuẩn VSATTP, có tem truy xuất nguồn gốc). Nhưng do kinh phí của xã và làng nghề có hạn nên chưa đủ tiềm lực để xây dựng mô hình”.
Việc đăng ký và xây dựng thương hiệu là quá trình cần có sự đầu tư cùng với việc duy trì chất lượng sản phẩm, bổ sung mẫu mã sản phẩm, thông qua nhiều kênh thông tin, cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Chính vì vậy, làng nghề rất mong được sự quan tâm và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền để sớm xây dựng thành công thương hiệu và mô hình quản lý chất lượng sản phẩm, có như vậy mới tạo được niềm tin của người tiêu dùng, có thị trường tiêu thụ ổn định và người dân yên tâm sản xuất.