Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc vùng ĐBSCL, nằm trong vùng bán đảo Cà Mau. Với điều kiện khí hậu tự nhiên thuận lợi, cộng với đất đai bằng phẳng, bờ biển dài 56km, Bạc Liêu phù hợp với phát triển nông nghiệp, đặc biệt là con tôm. Tỉnh có diện tích nuôi tôm lên tới hơn 135.000ha (đứng thứ 2 cả nước).
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong những năm qua sản lượng tôm hàng năm của tỉnh đều tăng, ước thực hiện trong năm 2019 đạt 155.000 tấn.
Hiện toàn tỉnh có 23 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất thiết kế gần 135 tấn/năm, cho sản lượng xuất khẩu gần 60.000 tấn/năm, mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 600 triệu USD/năm, với thị trường xuất khẩu chủ yếu ở các nước: Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và một số thị trường khác…
Bạc Liêu có nhiều mô hình nuôi tôm của doanh nghiệp và hộ dân ứng dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Ảnh: CL.
Hiện Bạc Liêu có nhiều mô hình nuôi tôm đa dạng, hiệu quả cao, nhất là các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cũng như nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu khác, sản phẩm tôm Bạc Liêu cũng như tôm Việt Nam chưa có thương hiệu riêng. Vì vậy, việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh tôm Bạc Liêu, tôm Việt Nam trên thị trường thế giới là rất quan trọng.
Để triển khai các nhiệm vụ phát triển ngành tôm Bạc Liêu, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam chất lượng cao để nâng cao sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam”; xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn trên hồ nổi của anh Long Văn Nghĩa (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) đang cho hiệu quả cao. Ảnh: CL.
Trên thực tế, thời gian qua cùng với việc xác định hướng phát triển Bạc Liêu theo 5 trụ cột (nông nghiệp được lựa chọn là trụ cột thứ nhất), Bạc Liêu đã và đang thực hiện đồng bộ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là nuôi trồng thủy sản và con tôm là sản phẩm chủ lực. Đồng thời, tỉnh đang tập trung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, với mục tiêu lan tỏa công nghệ, triển khai cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh và trong khu vực.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, các doanh nghiệp và các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí đã nêu lên nhiều ý kiến quan trong xoay quanh chủ đề làm thế nào để thương hiệu tôm Bạc Liêu ngày càng lan tỏa. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến chuổi giá trị “Sản xuất, chế biến, tiêu thụ”, nhằm nâng cao đời sống cho người nuôi tôm và góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tham gia ý kiến về nội dung này, ông Đỗ Như Tuấn - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn FLC nhấn mạnh: Có thể nói Bạc Liêu đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc gây dựng thương hiệu cho tôm, thông qua hàng loạt giải pháp đồng bộ. Trong đó, đáng chú ý là việc đẩy mạnh hợp tác công - tư để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm Bạc Liêu - Việt Nam ở các thị trường trọng điểm.
Hội nghị cũng đã thông qua biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng, quảng bá và phát triển các thương hiệu tôm Bạc Liêu và tổ chức kí kết hợp tác kết nối giữa UBND tỉnh Bạc Liêu với Tập đoàn FLC và Tập đoàn Việt Úc. Ảnh: CTV.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực đầu tư, quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu, trong đó gần đây nhất là sự kiện quảng bá tôm Bạc Liêu tại Quảng Ninh. Đây là sự kiện đặt biệt lần đầu tiên của tỉnh tổ chức với quy mô lớn, mang tầm quốc tế.
Cũng theo ông Trung, sau chuỗi sự kiện trên, Bạc Liêu đã gặt hái bước đầu được những kết quả quan trọng, đến nay có 1 doanh nghiệp đang xây dựng và cuối năm sẽ cho ra đời “Chợ tôm trên mạng”, giúp người bán, người mua trao đổi xúc tiến đầu ra cho con tôm.
Cũng sau chuỗi sự kiện tôm tại Quảng Ninh, Tập đoàn FLC đã xúc tiến triển khai dự án ao nuôi tôm trong diện tích 200ha tại Bạc Liêu. Qua đó, góp phần đưa con tôm Bạc Liêu vươn xa hơn.
Hội nghị cũng đã thông qua biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng, quảng bá và phát triển các thương hiệu tôm Bạc Liêu và tổ chức kí kết hợp tác kết nối thực hiện mục tiêu phát triển thương hiệu, cùng có lợi và phát triển bền vững giữa UBND tỉnh Bạc Liêu với Tập đoàn FLC và Tập đoàn Việt Úc.
Dịp này, có 2 tập thể và 4 cá nhân đã được tặng Bằng khen của UBND tỉnh do có thành tích đóng góp cho việc quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu trong thời gian qua.
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 188 cơ sở sản xuất tôm giống, 108 cơ sở ương dưỡng tôm giống, hàng năm sản xuất khoảng 30 tỷ post tôm giống. Trong đó, Tập đoàn Việt Úc là doanh nghiệp lớn nhất của ngành tôm Việt Nam (chiếm 22% thị phần cả nước) và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được cấp phép sản xuất tôm bố mẹ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn