Trước khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát động chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới", rất nhiều dự án trao tặng bò cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được tiến hành. Chương trình nổi tiếng nhất là "Lục lạc vàng" đã có hành trình hơn 3 năm với gần 2.500 con bò đến với đồng bào nghèo trên nhiều tỉnh, thành phố. Với những chương trình khác, các doanh nghiệp trích từ quỹ phúc lợi hằng năm để thực hiện nên số lượng bò giống đến với những gia đình khó khăn nhiều lắm cũng chỉ khoảng vài trăm con mỗi năm.
|
Cách làm “triệu cây chụm lại” của Viettel sẽ huy động nguồn lực của nhiều nhà hảo tâm trong xã hội cùng giúp người nghèo. Ảnh: Mai Hạnh |
Trong khi đó, chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới", lại có cách thực hiện rất khác. Thay vì chỉ dựa vào nguồn lực của doanh nghiệp tài trợ chính, chương trình này đem đến cơ hội đóng góp cho hàng triệu người khác cùng chung tay. Theo đó, cứ mỗi nhà hảo tâm cam kết dùng 1 dịch vụ trả sau của Viettel thì Viettel tặng ngay 1 triệu đồng để mua bò tặng cho hộ nghèo.
Ngoài việc huy động nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác cùng tham gia, chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" còn có sự hợp lực của 7 đơn vị lớn. Trong đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng là đơn vị chủ trì với sự tham gia của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, UBND 11 tỉnh biên giới và Viettel.
Cũng nhờ thế, mục tiêu của chương trình này cũng rất khác so với những dự án tặng bò cho người nghèo từng thực hiện trước đây. Nếu như chương trình tặng bò giống thành công nhất được 2.500 con trong hơn 3 năm, thì "Bò giống giúp người nghèo biên giới" đặt mục tiêu tặng hơn 24.000 con trong dưới 3 năm triển khai. Và sau hơn 3 tháng thực hiện, chương trình này đã được các nhà hảo tâm từ khắp mọi nơi chung sức mua được 4.800 con bò để tặng người nghèo. Mục tiêu là đến hết năm 2014, số bò giống tặng cho người nghèo các tỉnh vùng biên phía Bắc và Tây Bắc sẽ lên tới 11.000 con.
Ở đây, rõ ràng, sự cộng lực của nhiều tổ chức, cá nhân khiến sức mạnh của chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" được nhân lên gấp bội và thời gian thực hiện cũng được đẩy nhanh hơn rất nhiều. Nếu chỉ mình Viettel tham gia, con số không thể lớn và thời gian cũng không thể nhanh đến vậy. Điểm quan trọng khác, nếu không có sự tham gia tích cực của các lực lượng biên phòng, Bộ NN&PTNT, MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, người dân và các tổ chức... khác thì chương trình khó tạo được hiệu ứng cả xã hội chăm lo cho người nghèo.
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Cách làm của Viettel dù không mới nhưng là cách tốt nhất để huy động cả xã hội "triệu cây chụm lại" chung tay giúp đỡ người nghèo. Tặng 24.000 con bò giống cho những người nghèo miền biên giới trong gần 3 năm sẽ không thể thực hiện nếu làm kiểu "một cây" hoặc không huy động được nhiều trái tim vàng khác trong xã hội cùng tham gia. Trong tương lai, cách làm "triệu cây chụm lại" mà Viettel đang thực hiện có thể là một mô hình tham khảo cho nhiều chương trình xã hội khác.
Ngày 20-10-2014, Ban chỉ đạo chương trình đã tặng 226 con bò cho các hộ nghèo thuộc 3 xã biên giới là Lục Hồn, Hoành Mô, Đồng Văn (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Duy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Khi mua 1 chiếc điện thoại, chúng ta thường lựa chọn sử dụng 1 mạng. Mua sim của Viettel thì ngoài việc được sử dụng dịch vụ, chúng ta còn đóng góp giúp đỡ người nghèo. Đây thực sự là một việc làm ý nghĩa nhằm hỗ trợ bà con biên giới giảm nghèo, có đời sống tốt mới yên tâm giữ gìn an ninh biên giới". |