Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Quốc Vinh tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên giáo năm 2013. Ảnh: Quang linh |
Tình hình tư tưởng và thực trạng công tác tư tưởng của Đảng ta hiện nay bên cạnh mặt tích cực không tránh khỏi mặt tiêu cực, trong đó, mặt tích cực là cơ bản, đã và đang quyết định chiều hướng phát triển của xã hội, là nhân tố quan trọng tạo nên thắng lợi của công cuộc đổi mới. Tuy vậy, mặt tiêu cực có lúc, có nơi diễn ra rất nghiêm trọng. Một số mặt tiêu cực về tư tưởng đang có biểu hiện phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ gây mất ổn định chính trị, đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Điều đáng lo ngại nhất là sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
NQ Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nguyên nhân chưa làm tốt công tác tư tưởng, thiếu chủ động và nhạy bén trong đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chưa phê phán mạnh mẽ, đấu tranh kiên quyết với chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, tham nhũng, lãng phí,... Điều đáng nói là nhiều cấp ủy đảng chưa đặt đúng mức việc chỉ đạo đối với nội dung, phương pháp công tác tư tưởng trong giai đoạn mới.
Theo đó, nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng hiện nay là phải thường xuyên quán triệt đầy đủ các chỉ thị, NQ của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thực hiện bằng được NQ T.Ư 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03-CT/TU của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để làm tốt công tác tư tưởng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Trước hết, phải nâng cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy đảng không được xem nhẹ nội dung công việc này, không “khoán trắng” công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, mà cả hệ thống chính trị phải thường xuyên tập trung chăm lo, trước hết là trách nhiệm của BCH, Ban Thường vụ và đồng chí bí thư cấp ủy.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp quán triệt các chỉ thị, NQ của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sao cho ngắn gọn, hấp dẫn, hiệu quả, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, thiết thực đưa nội dung chỉ thị, NQ vào cuộc sống.
Thứ ba, xây dựng chế độ cung cấp, cập nhật thông tin và bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đưa công việc này thành nền nếp thường xuyên trong toàn Đảng.
Thứ tư, có chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng của Đảng. Đây là lĩnh vực rất đặc thù, vì vậy, những cán bộ trên mặt trận này đòi hỏi phải nắm vững nội dung chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên định mục tiêu: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng trong các trường chính trị, nhất là các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Phải gắn lý luận với thực tiễn, kịp thời bổ sung những nhận thức mới vào nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng sát với thực tế của địa phương.
Thứ sáu, thường xuyên quan tâm chăm lo đội ngũ báo cáo viên cấp ủy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng, kịp thời thông tin cho cán bộ, đảng viên về tình hình KT-XH, QPAN và những vấn đề “nóng”, góp phần định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.
Thứ bảy, tăng cường chỉ đạo quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, nhất là quản lý báo điện tử, thực hiện tốt chế độ giao ban báo chí, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những sai sót, lệch lạc của báo chí. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chủ quản báo chí và trách nhiệm của các tổng biên tập; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí,...
Thứ tám, xây dựng và phát triển văn hóa theo tinh thần NQ T.Ư 5 (khóa VIII), thường xuyên phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cổ vũ, ca ngợi cái đẹp, lên án cái xấu. Đẩy mạnh cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thứ chín, chủ động, tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, vu khống, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch.
Cuối cùng là tập trung tuyên truyền phát triển KT-VH-XH, bảo đảm QPAN, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Tuy vậy, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất của toàn Đảng về công tác tư tưởng hiện nay là tập trung khắc phục, sửa chữa bằng được những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng mà hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQ T.Ư 4 (khóa XI) đã chỉ ra.
Xây dựng Đảng là công việc hệ trọng, cấp bách, lâu dài với nhiều nội dung, trong đó xây dựng Đảng về tư tưởng là nội dung trọng yếu nhất. Vì vậy, phải thường xuyên tăng cường công tác tư tưởng của Đảng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, thực hiện thắng lợi NQ T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đưa Hà Tĩnh sớm trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, vững bước trên con đường CNH-HĐH, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn