Báo cáo của 58 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố cho thấy, trong tháng 2 các cơ quan chuyên ngành đã thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm 249 cơ sở trong tổng số 2 nghìn 638 cơ sở, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số tiền phạt là 1,2 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ cũng đã thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất nguyên liệu nước mắm (bán thành phẩm) có vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2019, kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, đã khắc phục được các vi phạm. Các đơn vị chức năng và chuyên ngành của Bộ cũng đã xử phạt hành chính 5 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với số tiền 180 triệu đồng; phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu biên giới xử lý 2 vụ nhập lậu sản phẩm động vật và tiêu hủy toàn bộ theo quy định, ban hành 5 quyết định xử phạt với tổng số tiền là 184 triệu đồng…
Cùng với xử lý các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi và trồng trọt, trong tháng 3 và các tháng tiếp theo ngành nông nghiệp tập trung tuyên truyền thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước trong giai đoạn dịch bệnh covid 19 kết hợp với triển khai đàm phán mở rộng thị trường truyền thống như: Mỹ, Liên mình Châu Âu, Brazil và mở lại thị trường Ả rập xê út. Chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về tái đánh giá tương đương cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ; tháo gỡ một số vướng mặc với Ủy ban châu Âu về kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản, thủy sản và làm việc với Đoàn Thanh tra EC sang tái kiểm tra thẻ vàng, dự kiến vào tháng 5 tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các đơn vị phải nắm chắc tình hình trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để tham mưu đúng thực tiễn, chặt chẽ; đồng thời tham chiếu các quy định quốc tế cho phù hợp với thực tiễn. Đảm bảo an toàn thực phẩm quan trọng nhất là phải kiểm soát theo chuỗi, nhân rộng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chuỗi an toàn thực phẩm phải từ vật tư đầu vào, quy trình canh tác, sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến đến tận siêu thị. Từ chuồng nuôi đến bàn ăn, từ đồng ruộng lên bàn ăn, từ ao nuôi đến bàn ăn đến nay đã hình thành chuỗi thế nào, bây giờ hoàn thiện thế nào về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để làm cơ sở chỉ đạo các đơn vị về an toàn thực phẩm, trong đó bao gồm cả sản xuất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn