Làm giàu từ cây bưởi
Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng và sản phẩm làng nghề, thời gian qua Phú Thọ đã nỗ lực phát triển thương hiệu nông sản, giúp nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.
Trước kia, khi việc phát triển thương hiệu chưa được quan tâm, dù là cây bưởi đặc sản song bưởi Đoan Hùng không phát triển mạnh, thu nhập và đời sống của người dân vùng trồng bưởi còn thấp, tình trạng hàng giả (sản phẩm không phải là sản phẩm đặc sản) bày bán tràn lan làm cho người tiêu dùng mất niềm tin.
Năm 2006, bưởi Đoan Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ xuất xứ hàng hóa "chỉ dẫn địa lý" cho hai sản phẩm bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Cũng năm đó, Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ cũng đăng ký tem nhãn với Cục Sở hữu trí tuệ để được sử dụng độc quyền trên thị trường cho sản phẩm "bưởi Đoan Hùng".
Sau khi được cấp văn bằng tên gọi xuất xứ hàng hóa chỉ dẫn địa lý, hai giống bưởi này đã trở thành tài sản quốc gia được bảo hộ vô thời hạn trên toàn quốc. Từ đó đến nay, bưởi Đoan Hùng là nông sản đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý).
Nhờ được đăng ký bảo hộ thương hiệu và chứng nhận chỉ dẫn địa lý nên những năm gần đây, giá trị của quả bưởi tăng lên nhanh chóng, cây bưởi đã trở cây kinh tế mũi nhọn mang lợi ích kinh tế cao cho người dân trong huyện, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây bưởi.
Nếu như năm 2010, sản lượng quả chỉ đạt 2.000 tấn, thì đến năm 2017 sản lượng bưởi quả toàn huyện đạt hơn 12 nghìn tấn, tăng hơn 10 nghìn tấn so với năm 2010. Dự kiến màu bưởi năm 2018 năng xuất tăng hơn. Toàn bộ sản phẩm đều dán tem, nhãn mác mang chỉ dẫn địa lý đưa ra tiêu thụ trên thị trường đã tạo ra tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng và được đánh giá cao về cả chất lượng lẫn mẫu mã quả.
Doanh thu mỗi năm đạt gần 250 tỷ đồng, trong bình quân thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha đối với giống bưởi đặc sản Sửu Chí Đám, 400 triệu đồng/ha đối với giống bưởi đặc sản Bằng Luân. Cây trồng bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần so với trồng lúa, gấp 20 lần trồng cây lâm nghiệp và 5 lần so với trồng chè.
Theo cơ quan chuyên môn huyện Đoan Hùng, đến nay toàn huyện đã phát triển 1.830 ha; trong đó có 1.062 ha bưởi đặc sản. Tuy nhiên, do sản lượng ít, cộng với nhu cầu tiêu thụ nên nhiều thương lái đã trà trộn bưởi thường với bưởi Đoan Hùng, hoặc bày bán bưởi mang thương hiệu “bưởi Đoan Hùng” hoặc “bưởi đặc sản Đoan Hùng” khiến người tiêu dùng không biết đâu là bưởi thật bưởi giả. Khi ăn quả thì ngọt, quả chua, quả đắng, quả he, múi bưởi khô.
Trước tình trạng lộn xộn của thị trường bưởi Đoan Hùng, Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ đã phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) triển khai dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Đoan Hùng cho sản phẩm bưởi quả của tỉnh Phú Thọ”.
Huyện Đoan Hùng cũng đã ban hành “Kế hoạch tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng” và tăng cường tuyên truyền để nhân dân, nhất là người trồng bưởi, người kinh doanh bưởi thấy được giá trị và uy tín của sản phẩm bưởi Đoan Hùng là sự sống còn và là yếu tố quan trọng để nâng cao đời sống cho những người trồng bưởi.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh xác tiến thương mại, ký kết hợp đồng, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức ký cam kết bán hàng đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc và chất lượng với tất cả các hộ trồng, kinh doanh bưởi, xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm...Với nhiều biện pháp tích cực, sự đồng tình của người dân, thị trường bưởi Đoan Hùng đã dần đi vào ổn định, đảm bảo được uy tín trên thị trường.
Mở rộng thương hiệu nông sản
Phú Thọ là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng. Thời gian qua, những năm qua tỉnh đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho nhiều mặt hàng nông sản ở tỉnh. Tuy nhiên hiện nay một số địa phương của tỉnh đã có sản phẩm đạt thương hiệu hàng hóa lại không tiếp tục duy trì mà quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp cho nên đã gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Sơn đỏ, huyện Tam Nông; nhãn hiệu tập thể cho mì gạo Hùng Lô (thành phố Việt Trì), tương Dục Mỹ (huyện Lâm Thao), nếp gà gáy Mỹ Lung (huyện Yên Lập), chè xanh Chùa Tà (huyện Phù Ninh), cá lồng sông Đà ( huyện Thanh Thủy), gà nhiều cựa ( huyện Tân Sơn), hồng không hạt Gia Thanh ( huyện Phù Ninh), cá chép đỏ Thủy Trầm( huyện Cẩm Khê)… và gần 360 nhãn hiệu hàng hóa là sản phẩm đăng ký bảo hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế của tỉnh.
Thực tế hiện nay, nhiều hàng hóa dù đã được cấp nhãn hiệu nhưng vẫn loay hoay tìm hướng đi để phát triển; nhiều làng nghề, hộ người dân chưa mặn mà với việc tạo dựng và gìn giữ thương hiệu.
Nguyên nhân chính cũng vẫn là do lối sản xuất thủ công, manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, phần nhiều là kinh doanh theo lối riêng rẽ “mạnh ai nấy làm” nên sự gắn kết chưa cao. Trong khi việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm lại không được chú trọng đúng mức bởi mất nhiều chi phí nên thương hiệu sản phẩm vẫn chưa đến được với người tiêu dùng, tình trạng sản phẩm sau khi đăng ký nhãn hiệu vẫn chưa phát huy được giá trị.
Để khắc phục những hạn chế trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý, hiện nay Phú Thọ đã và đang tập trung triển khai đồng bộ hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu của tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, tỉnh ban hành “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020” với mục tiêu nâng cao giá trị thương hiệu, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ thông qua việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; tăng cường quản lý nhãn mác chỉ dẫn địa lý, tránh tình trạng lạm dụng thương hiệu. Đồng thời, các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức đang sở hữu những nhãn hiệu tập thể để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các kênh tiêu thụ; tiếp tục khảo sát, đánh giá khả năng phát triển nhãn hiệu, hoặc chỉ dẫn địa lý của một số sản phẩm đặc trưng để từ đó đưa sản phẩm của Phú Thọ thực sự có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển cho ít nhất từ 8 đến 10 sáng chế, giải pháp hữu ích; Tiếp tục hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản như: Chè xanh, chè đen, hồng không hạt, chuối tiêu hồng, chuối phấn vàng, gạo nếp gà gáy, gà cựa, gà ri lai; giống thủy sản đặc hữu (cá lăng, cá nheo,...); hàng thủ công mỹ nghệ (mành, mây tre đan..)...
Tỉnh phấn đấu xây dựng từ 11 đến 15 chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; 300 đến 400 nhãn hiệu hàng hóa, qua đó tăng số lượng văn bằng bảo hộ được cấp vào năm 2020 gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2010-2015.
Tác giả bài viết: Đào An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn