Sáng nay (13/10), tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam và Tổng hội Phân bón Việt Nam cùng tổ chức Hội thảo Phát triển chiến lược phân bón hữu cơ và phổ biến Nghị định 108 của Chính phủ về quản lý phân bón.
Để có một nền nông nghiệp bền vững, với giá trị gia tăng cao, thì nông nghiệp hữu cơ nên được xem là hướng đi lâu dài (Ảnh minh họa: Báo Người lao động) |
Hiện nay, ngành trồng trọt mỗi năm loại ra 40 triệu tấn rơm rạ, bã ngô, mía; ngành chăn nuôi loại ra 80 triệu tấn chất thải…Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có 23 triệu tấn rơm rạ, 4,7 tấn trấu, 2,3 triệu tấn cám. Từ những nguồn này, mỗi năm có thể sản xuất từ 5 đến 6 triệu tấn phân hữu cơ theo mô hình hộ nông dân.
Còn các nhà máy, nếu được quan tâm đầu tư thì hoàn toàn có thể phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất phân hữu cơ. Việt Nam cần phát triển phân bón hữu cơ bằng cả hai cách: chuyển đổi sản xuất ở các doanh nghiệp và vận động các hộ nông dân làm phân bón.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định, không có phân bón hữu cơ thì không thể phát triển được nông nghiệp hữu sơ.
Theo ông Thúy, nông nghiệp hữu cơ có lợi là không gây ô nhiễm môi trường, không chai sạn đất, không gây mất chuyển đổi lý hóa của đất, tăng lượng mùn, vi sinh vật, cây trồng tốt hơn và sản phẩm nông nghiệp ngon hơn.
Xu thế chung hiện nay trong sản xuất nông nghiệp thế giới là tăng tỉ lệ phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng, xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, nhiều nước đã chuyển mạnh sang công nghệ sản xuất phân hữu cơ, có nước đã đạt đến tỷ lệ 40% như Nhật Bản, Autralia.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc phát triển phân bón công nghệ cao và phân bón hữu cơ chưa cao. Phân bón vô cơ- hóa học thì ngày càng tăng năng lực sản xuất và cả tỷ lệ sử dụng trong nông nghiệp. Nếu hiện nay, nông nghiệp cả nước dùng khoảng 11 triệu tấn phân bón một năm thì 90% số đó là phân bón vô cơ- hóa học./.
Tác giả bài viết: Minh Hạnh
Nguồn tin: vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn