Cho đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội có 2 huyện Đan Phượng và Đông Anh đạt chuẩn NTM; 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình công nhận. Có 255/386 xã (chiếm 66,06%) được TP công nhận đạt chuẩn NTM. Trong số 131 xã còn lại, theo kết quả tự thẩm định của các địa phương, có 5 xã đã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, có 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, có 39 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí.
Một mô hình nhà màng ở ngoại thành Hà Nội |
Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm, đa số người dân có nhà kiên cố; 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở một số huyện tương đối cao như Đan Phượng (80%), Phúc Thọ (80,2%), Phú Xuyên (75%), Chương Mỹ (76%)…
Về môi trường và an toàn thực phẩm, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, trong đó 38% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế; 84% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% rác thải sinh hoạt được thu gom theo quy định; có 353/386 xã đạt và cơ bản đạt, còn 33/386 xã chưa đạt.
Nếu thời gian trước đây, bức xúc nhất của người dân nông thôn là sau dồn điền đổi thửa không được cấp ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thấu hiểu điều đó, Thành ủy đã đốc thúc các cơ quan ban ngành để đến tháng 3/2017 đã cấp được 609.860/627.464 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đạt 97,2%, tăng 8.219 giấy so với năm 2016.
Một số địa phương đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân như huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thạch Thất, Mê Linh, Thường Tín.
Về kết quả hỗ trợ các huyện xây dựng NTM của các quận, thực hiện kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, đến nay có 9/12 quận có văn bản hỗ trợ các huyện với tổng kinh phí là 94.333 triệu đồng.
Về tổng kinh phí, thời gian qua TP đã huy động đầu tư cho NTM đến nay gần 14.865 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách TP hơn 7.191 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 6.085 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 411 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách gần 1.177 tỷ đồng...
Tại hội nghị, các quận huyện, thị xã và các Sở, ngành của TP đã tập trung thảo luận một số nhóm vấn đề như phát triển sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, xây dựng NTM, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, cụm làng nghề và các nội dung tuyên truyền cho phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, để hoàn thành mục tiêu Chương trình năm 2017 có thêm ít nhất 22 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM.
Trong đó, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt kế hoạch sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, các đề án, dự án đã được phê duyệt; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực của ngành. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản Thủ đô, đồng thời sớm tham mưu ban hành hướng dẫn xây dựng và phê duyệt các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.
Phấn đấu xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó TP sẽ có một điểm với quy mô lớn và dần mở rộng mỗi huyện có ít nhất một điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ đạo, các Sở, ngành cần quan tâm, chỉ đạo 51 xã đăng ký đạt chuẩn NTM (các huyện đăng ký) hoàn thành các tiêu chí chưa đạt để cuối năm 2017 có thêm ít nhất 22 xã đạt chuẩn. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Trung ương xem xét, công nhận 2 huyện Thanh Trì, Hoài Đức đạt chuẩn NTM trong tháng 4/2017. Phấn đấu cuối năm 2017, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình trung ương xem xét, công nhận 2 huyện Gia Lâm, Phúc Thọ đạt chuẩn.
Thành ủy Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch, bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; công tác tuyên truyền về KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị, gia đình văn hóa gắn với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn