Trong bài 1 của loạt phóng sự “Tàu cá vỏ thép nằm bờ: Đẩy khó xuống ngư dân?”, nhắc đến “gánh nợ” hàng chục tỷ đồng treo lơ lửng trước mặt bà con sau khi những con tàu vỏ thép vừa mới đóng đã hỏng.
Vì sao một chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá vươn khơi bám biển lại trở thành gánh nặng với các chủ tàu vỏ thép?. Tàu hỏng nằm bờ, bao nhiêu cái khó lại đẩy xuống ngư dân. Các cơ sở đóng tàu chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi ngư dân không biết sử dụng các thiết bị hiện đại dẫn đến nhiều hư hỏng.
Thời gian gần đây, hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung trị giá hàng chục tỷ đồng vừa hạ thủy, đi chuyến biển đầu tiên đã hỏng hóc phải nằm bờ, ngư dân lâm cảnh điêu đứng. Nghi ngờ các đơn vị đóng tàu làm ăn gian dối, một số chủ tàu ở huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, tỉnh Bình Định tự bỏ tiền mỗi người từ 7 - 10 triệu đồng, thuê Công ty TNHH Tư vấn và dịch vụ Tài chính Khải Bảo tại TP HCM giám định độc lập về tình trạng động cơ máy chính, hộp số của tàu.
Các chủ tàu “chết lặng” khi phát hiện hợp đồng máy tàu cá là động cơ Mitsubishi SR6 MPTA, máy mới nguyên đai nguyên kiện của Nhật Bản nhưng kết quả giám định cho thấy, động cơ đã qua sử dụng, được sơn sửa lại, một số bộ phận của động cơ không đồng bộ theo thiết kế của nhà sản xuất. Cụ thể, lọc nhớt, bơm nước, hệ thống bơm dầu, lọc dầu không đúng thiết kế. Trong số 5 ngư dân ở xã Hoài Thanh trưng cầu giám định máy lắp trên tàu cá đều cho kết quả không đúng như thiết kế. Ngư dân Mai Trường, chủ tàu cá BĐ-99689-TS ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định gọi điện nêu thắc mắc với công ty đóng tàu thì họ lại đổ trách nhiệm sang đơn vị cung ứng máy móc.
Ống thép trên tàu vỏ thép của ngư dân Trần Minh Vương mới lắp đã hư hỏng phải tháo bỏ thành sắt vụn. |
Bức xúc trước việc tàu mới đóng đã hỏng máy, gỉ sét, bong tróc phải nằm bờ, 10 chủ tàu vỏ thép tỉnh Bình Định làm đơn cầu cứu chính quyền địa phương, tố cáo các công ty đóng tàu không thực hiện đúng hợp đồng, đánh tráo vật liệu, máy móc, thiết bị.
Thiết bị cần trục kéo lưới trên tàu vỏ thép BĐ - 99094 - TS do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng mới đã hoen gỉ. |
Tỉnh Bình Định đã thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành đánh giá hiện trạng tàu cá. Kết quả, 15 tàu vỏ thép đóng tại 2 Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đều bị hỏng máy, vỏ tàu và một số thiết bị trên tàu. Cụ thể, đối với tàu đóng mới tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) có 10 tàu trục trặc, hư hỏng, chủ yếu là máy thủy chính, máy phát điện hiệu Mitsubishi, Doosan; hầm bảo quản không đảm bảo yêu cầu giữ nhiệt, ván gỗ vách hầm bị mục.
Đối với tàu đóng mới tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cả 5 tàu đều gỉ sét nặng phần vỏ tàu, hệ thống đường van, ống trên tàu, hầm bảo quản thoát nước kém làm hỏng sản phẩm đánh bắt. Công ty tự ý thay đổi vật liệu đóng vỏ tàu từ thép Hàn Quốc và Nhật Bản sang Trung Quốc.
Khi làm việc với các chủ tàu về tình trạng nhiều tàu cá vỏ thép mới đóng đã hỏng, đại diện các đơn vị đóng tàu lại quanh co, thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho ngư dân không biết sử dụng, vận hành sai hướng dẫn. Thật vô lý khi ông Trương Văn Đài, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương “đổ tội” cho nước biển mặn và thời tiết làm tàu bị gỉ sét.
Theo ông Trương Văn Đài: "Sau một thời gian đưa vào khai thác, tàu có một số xuống cấp như thể hiện nước sơn bị bong tróc, một số thiết bị trên boong bị hư hỏng cũng do nước mặn và thời tiết. Cái này, công ty chúng tôi cũng nhìn nhận là do sơn ban đầu mà không làm sạch bề mặt. Nhân đây cũng báo cáo, thời gian đóng tàu Công ty có chuyển đổi từ thép Hàn Quốc, Nhật Bản sang thép Trung Quốc với giá trị tương đương".
Nghe những lời giải thích “chối tai” từ các đơn vị đóng tàu, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tiếp tục truy vấn: Vì sao vỏ tàu mới đóng cũng hoen gỉ?. Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) cũng "đổ lỗi" do nước biển mặn khiến nhiều người không nhịn được cười.
Ông Trần Châu không thể im lặng khi đơn vị đóng tàu cứ khư khư cho rằng nước biển rất mặn: “Nước biển nào nó ngọt đâu. Anh nói không thuyết phục. Ngồi đây toàn cũng đại học, cũng kỹ sư hết chứ không phải họ không biết, nói như vậy là không có tính thuyết phục. Vậy tại sao các công ty như là Việt Tiến, bữa nay họ đi 4, 5 chuyến không có hư hỏng, gỉ sét gì cả. Cũng là mấy ngư dân đây thôi mà máy móc không sao, các thiết bị trên tàu đều tốt mà giá thành lại rẻ hơn. Tôi cho rằng nếu ông nói như vậy là mị dân, đồng thời lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để làm cái không đúng".
Ông Trần Châu nói quá đúng. Các đơn vị đóng tàu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con, dễ dàng qua mặt các chủ tàu, tùy tiện thay đổi vật liệu, thiết bị của con tàu. Trong hợp đồng ghi rõ vật liệu đóng vỏ tàu từ thép của Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng các công ty đã tự ý đổi sang thép Trung Quốc.
Máy phát điện trị giá hơn 900 triệu đồng lắp đặt trên tàu của ngư dân Trần Minh Vương sau khi tháo gỡ linh kiện còn lại cục sắt |
Ngư dân Nguyễn Thư ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định chưa nguôi nỗi ấm ức: "Khi thấy Công ty Nam Triệu thuộc Bộ Công an thì mọi người đều tin tưởng và yên tâm nhưng thực tế thì lại ngược lại".
Quy trình đóng mới tàu vỏ thép và đưa vào khai thác được quy định khá chặt chẽ. Mỗi tàu cá đóng mới trước khi bàn giao đều được đăng kiểm, chứng nhận an toàn, đủ điều kiện đánh bắt xa bờ. Thế nhưng, không hiểu đăng kiểm kiểu gì mà nhiều tàu cá mới đóng đã hỏng, phải nằm bờ nhiều tháng qua. Tỉnh Bình Định thành lập Tổ công tác liên ngành để tổng kiểm tra, rà soát kỹ từng con tàu vỏ thép, tìm ra nguyên nhân tàu cá hư hỏng và làm rõ trách nhiệm thuộc về ai?.
Máy móc phải tháo bung để sửa chữa là tình trạng chung của nhiều con tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định. |
Ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: "Hiện nay, bước đầu UBND tỉnh có báo cáo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ thực trạng tình hình ở Bình Định xảy ra như vậy. Sau khi đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá lại từng con tàu, tìm hiểu ra nguyên nhân cụ thể như như thế nào thì chúng tôi sẽ có báo cáo chi tiết cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho Thủ tướng để có chỉ đạo quyết liệt, bảo vệ quyền lợi của ngư dân.
Việc này rất quan trọng nên chúng ta làm hết sức thận trọng. Nếu đoàn liên ngành làm chưa được thì sẽ thuê đơn vị tư vấn giám sát để người ta đánh giá cho khách quan, tìm hiểu rõ nguyên nhân và báo cáo trung thực với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và với Thủ tướng để chúng ta rút bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện Nghị định 67 trong thời gian đến tốt hơn".
Cũng là tàu vỏ thép đóng từ vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ nhưng một số ngư dân đóng tàu ở đơn vị khác với giá rẻ hơn nay đang hoạt động, khai thác khá hiệu quả. Ngược lại, nhiều con tàu của ngư dân tỉnh Bình Định do 2 Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty Đại Nguyên Dương đóng mới, có giá thành cao hơn chưa kịp vươn ra khơi xa đã hỏng, phải nằm bờ chờ sửa chữa. Bao nhiêu cái khó lại đẩy xuống cho ngư dân! Từ thực tế này cho thấy, đã có lỗ hổng trong quá trình triển khai đóng mới “tàu vỏ thép 67”.
Chúng tôi tiếp tục trở lại vấn đề này trong bài ngày mai (1/6) với bài cuối của Loạt phóng sự “Tàu cá vỏ thép nằm bờ: Đẩy khó xuống ngư dân?” của Nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại miền Trung.
Mời quý vị đón đọc:
>> Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Lỗ hổng trên “con tàu vỏ thép 67”
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn