Là miền quê mang những nét đặc trưng điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ với truyền thống thâm canh lúa nước lâu đời, Thái Bình sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp.
Những tiềm năng sẵn cóThái Bình có 105.755ha đất nông nghiệp màu mỡ với những cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay. Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống rừng ngập mặn đa dạng, phong phú với các đầm nuôi trồng thủy sản, nhiều làng nghề nổi tiếng và làng vườn đặc sắc; nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt cùng hàng trăm lễ hội truyền thống được bảo tồn, lưu giữ và phát triển…
Với nền nông nghiệp trù phú, Thái Bình có nhiều thuận lợi phát triển du lịch nông nghiệp thông qua những chuyến du lịch cộng đồng, trải nghiệm, du khảo đồng quê. Đặc biệt trong tương lai, gắn liền với một nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ là những vùng chuyên canh, những cánh đồng lớn và các mô hình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường cùng những sản phẩm nông nghiệp sạch, được sản xuất theo dây chuyền, công nghệ hiện đại. Điều này sẽ góp phần kích cầu cho du lịch nông nghiệp phát triển. Hội Du lịch Thái Bình đang xây dựng đề án phục dựng làng cổ hội tụ những đặc trưng của văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đó có những ngôi nhà tre vách đất, vườn rau, chợ làng cùng các trò chơi dân gian truyền thống để du khách có dịp trải nghiệm một kỳ nghỉ tại thôn quê nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về cơ sở vật chất và các dịch vụ.
Cánh cửa mới cho nông thôn mớiVừa qua, Công ty TNHH Du lịch Trang Long đã tổ chức một tour du lịch trải nghiệm về xã Bách Thuận (Vũ Thư) cho gần 40 khách du lịch là cán bộ, giáo viên Trường THCS Kỳ Bá (thành phố Thái Bình). Trong chuyến đi kéo dài 1 ngày, du khách được thăm quan làng vườn Bách Thuận dưới hình thức đạp xe đạp.
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Bá cho biết: Di chuyển giữa các điểm đến bằng xe đạp là một ý tưởng khá mới lạ và thú vị mà chúng tôi được trải nghiệm lần đầu. Nó không chỉ thân thiện với môi trường, giúp tăng cường sức khỏe mà còn mang lại cho chúng tôi một chuyến hành trình khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của một làng quê với nhiều cung bậc cảm xúc. Trong tương lai, nhà trường có hướng cho học sinh tham gia trải nghiệm loại hình du lịch này. Bên cạnh du lịch bằng xe đạp, du khách cũng được mua sản phẩm ngay tại điểm đến.
Ông Trần Trọng Toàn, chủ vườn bưởi tại xóm 9, thôn Bách Tính, xã Bách Thuận cho biết: Nhà tôi có hơn 1 mẫu vườn, trồng toàn bưởi diễn. Sau khi du khách đến tham quan vườn trái, họ được ăn thử bưởi ngay tại vườn. Mọi người thấy ngon nên mua về rất nhiều. Tôi thu được lợi tức ngay tại vườn nhà mà không phải qua khâu trung gian hay mất công vận chuyển nên rất phấn khởi.
Tạo thu nhập cho người nông dân ngay trên đồng đất, vườn nhà chỉ là một trong những lợi ích mà du lịch nông nghiệp mang lại. Điều quan trọng là khi người dân nhận thấy được lợi ích, tự nhiên họ sẽ là nguồn lực xã hội hóa to lớn trong việc giúp sức xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới và phát triển du lịch tại địa phương. Đồng thời, chính họ cũng có thể là những hướng dẫn viên không chuyên ngay tại điểm đến để quảng bá văn hóa địa phương đến với du khách. Với điểm cộng về bản tính thật thà, thân thiện, mến khách, ham học hỏi thì việc người dân Thái Bình làm du lịch nông nghiệp là điều không khó nếu những nhà quản lý và người làm du lịch biết tận dụng, khai thác thế mạnh này.
Trên thực tế, nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh vùng núi phía Bắc đã biết khai thác những sản phẩm nông nghiệp cũng như người dân bản địa để làm du lịch một cách hiệu quả như: ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái), đồi chè Mộc Châu (Sơn La), miệt vườn cây trái An Giang, cánh đồng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) hay những sản phẩm du lịch ẩm thực như cơm niêu, cá kho Hà Nam, cơm cháy Ninh Bình…
Để phát triển được du lịch nông nghiệp tỉnh nhà, ngoài sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo của các hãng lữ hành, thì rất cần cái bắt tay liên kết giữa 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và cơ quan truyền thông. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò “đầu tàu” tạo cơ chế để mở cửa và đưa ra những định hướng, chiến lược phát triển du lịch. Doanh nghiệp là khâu tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, sao cho bảo đảm các yếu tố: giá thành hợp lý, sản phẩm chất lượng, đặc trưng, an toàn, thân thiện với môi trường. Các cơ quan thông tấn báo chí đồng hành trong việc quảng bá hình ảnh tỉnh nhà, các địa danh, địa chỉ lưu trú, góp phần xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, người dân bản xứ chính là “bản sắc văn hóa” sống của một địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước làm sao tạo điều kiện cho các địa phương mở lớp tập huấn, tuyên truyền giúp người dân hiểu về du lịch, cách làm du lịch, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử để mỗi người dân có thể là một hướng dẫn viên không chuyên ngay tại điểm đến./.