Năm 2017, Thái Thụy phấn đấu nuôi thủy sản đạt 4.010ha gồm: nước mặn nuôi ngao 1.010ha; thủy sản nước lợ 1.400ha, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm và cá; nước ngọt 1.600ha, chủ yếu là các loại thủy sản truyền thống.
Theo ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để vụ nuôi thủy sản năm 2017 đạt kết quả cao, ngành Nông nghiệp Thái Thụy tích cực chỉ đạo các địa phương đôn đốc các hộ nuôi khẩn trương huy động nhân lực, vật lực chuẩn bị xuống giống thủy sản xung quanh tiết Thanh minh. Đến cuối tháng 2/2017, toàn huyện đã cải tạo được gần 3.000ha ao, đầm, chiếm gần 80% diện tích nuôi thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước lợ đã cải tạo được 1.008ha, nước ngọt gần 850ha, diện tích nuôi ngao cải tạo được 1.010ha. Đối với các vùng nuôi nước lợ tập trung, người dân sử dụng phương pháp cải tạo khô và cải tạo ướt, sử dụng máy sục rửa bùn, thu dọn rong rêu, gia cố lại bờ cống. Các hộ nuôi đều sử dụng rắc vôi, Chlorine và một số loại hóa chất khác để xử lý mầm bệnh cho ao, đầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Với diện tích nuôi ngao bãi triều, sau mỗi đợt thu hoạch và trước khi thả giống, các hộ nuôi thực hiện công tác vệ sinh, cày xới mặt bãi, tu sửa, gia cố lại vây lưới, san phẳng mặt bãi, phun cát bổ sung, diện tích cải tạo đạt tỷ lệ 100%. Các diện tích nuôi thủy sản nước ngọt cũng được người dân chú trọng cải tạo, chủ yếu dùng phương pháp cải tạo khô, diện tích được cải tạo đều bón vôi để khử trùng, diệt tạp và cho nước vào ao nuôi theo lịch xả nước đổ ải, chuẩn bị các điều kiện để thả nuôi.
Người dân Thái Thụy lắp đặt máy quạt nước phục vụ nuôi tôm.
Theo kế hoạch, Thái Thụy sẽ hoàn thành cải tạo ao, đầm trước ngày 15/3 và bắt đầu xuống giống nuôi thả vào đầu tháng 4. Hiện nay, nhiều hộ nuôi thủy sản ở các địa phương ven biển như Thái Thượng, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Trường, Thái Đô đang tích cực cải tạo ao, đầm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch của huyện.
Ông Nguyễn Văn Nam, một trong những chủ hộ có nhiều năm kinh nghiệm nuôi thủy sản tại xã Thái Thượng cho biết: Việc cải tạo ao, đầm rất quan trọng, quyết định tới hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Sau một vụ nuôi, do quá trình chăm sóc lượng thức ăn dư thừa, chất thải và mầm bệnh lắng đọng, tích tụ dưới đáy và bờ đầm làm ô nhiễm môi trường đầm nuôi nên rất dễ gây bệnh cho đàn cá, tôm và có thể gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Vì vậy, tôi đang tích cực thuê nhân công cải tạo hơn 6 sào đầm để tiến hành nuôi tôm thẻ chân trắng. Sau khi tháo cạn đầm nuôi, tôi thuê máy hút đẩy bùn thải lên bờ, dùng vôi bột rải khắp đáy và bờ đầm để diệt côn trùng, ốc, rêu xanh, tiêu diệt và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, vi rút gây bệnh trong đầm...
Hiện nay, các cơ sở ương dưỡng thuần giống thủy sản trong huyện cũng đã chuẩn bị công tác vệ sinh bể nuôi và nhập giống về cung cấp cho người nuôi.
Theo ghi nhận của phóng viên, Doanh nghiệp Phương Nam (xã Thái Thượng) đã nhập 2 triệu giống tôm thẻ chân trắng và có kế hoạch sản xuất 10 triệu tôm sú giống để phục vụ các hộ nuôi. Để bảo đảm chất lượng nguồn giống thủy sản cung cấp cho người dân, thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của huyện cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng và vận chuyển giống trên địa bàn, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trần Tuấn
Nguồn: Báo Thái Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn