Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, UBND huyện Thăng Bình đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp khả thi, cụ thể góp phần nâng cao chất lượng môi trường trong những năm gần đây.
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Để thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ môi trường đã đề ra, huyện ủy Thăng Bình lấy công tác tuyên truyền làm bước đầu để thực hiện các giải pháp tiếp theo. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường được coi là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời, chú trọng công tác giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học, nhằm tạo nhận thức sâu sắc cho học sinh và có hành động thiết thực bảo vệ môi trường.
Song song với công tác tuyên truyền, huyện Thăng Bình không ngừng nâng cao vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mặt trận, hội, đoàn thể các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch liên tịch về bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai các mô hình tự quản bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng ở từng thôn, tổ, khu dân cư. Phát huy vai trò tích cực của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc giám sát vấn đề môi trường, giúp cho các cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời sự ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới xuất hiện.
Một giải pháp quan trọng mà huyện Thăng Bình luôn đánh giá cao hiệu quả và tiếp tục duy trì đó là Đề án quản lý chất thải rắn. Đề án được UBND huyện phê duyệt, triển khai thực hiện tại 22/22 xã, thị trấn và từng bước đem lại hiệu quả. Việc thu gom rác thải từ các kiệt, hẻm thực hiện tại 125/132 thôn, tổ, dân phố đạt tỷ lệ 95%; chất thải nguy hại đồng ruộng được thu gom và hợp đồng xử lý; chất thải chăn nuôi được hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường xây dựng hầm biogas để xử lý… Đây là đề án đã thực hiện nhiều năm và mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ môi trường, chính vì thế huyện Thăng Bình ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hỗ trợ UBND các xã, thị trấn duy trì Đề án. Huyện phấn đấu đến năm 2020, có 95% hộ dân trên toàn địa bàn huyện tham gia đổ rác và nộp phí vệ sinh môi trường, tự giác phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn.
Siết chặt công tác quản lý nhà nước về môi trường.
Với công tác quản lý nhà nước, UBND huyện Thăng Bình giao Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cũng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng. Công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được thực hiện thường xuyên và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường cấp xã, bố trí đủ cán bộ có năng lực từ huyện đến cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường. Tổ chức tập huấn trang bị những kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ môi trường cấp xã; ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
Tập trung giải quyết các bất cập về công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình nằm trong khu dân cư. Tùy theo mức độ tác động đến môi trường, yêu cầu các cơ sở cam kết quá trình hoạt động đảm bảo môi trường hoặc buộc tạm ngừng hoạt động, di dời nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường. Ngành chức năng phối hợp với các địa phương xây dựng phương án, lộ trình di dời các cơ sở phát sinh chất thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường, hình thành các điểm tiểu công nghiệp với diện tích khoảng từ 2-3 ha cách biệt với khu dân cư theo quy hoạch của các địa phương.
Đối với các dự án chăn nuôi tập trung quy mô vừa và lớn trên địa bàn huyện cần bố trí phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vị trí, địa điểm chăn nuôi cần đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường đối với khu dân cư, trường học, bệnh viện, đường giao thông chính, nguồn nước mặt. Hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường xây hầm biogas, nhân rộng các mô hình chăn nuôi đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi.
Huyện Thăng Bình cũng đang đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung,...) đối với các cụm công nghiệp. Chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư, kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường. Thực hiện quan trắc môi trường định kỳ hằng năm nhằm đánh giá diễn biến chất lượng môi trường. 100% các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận hồ sơ môi trường theo quy định; công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện định kỳ, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực huyện Thăng Bình đang ngày càng hướng đến huyện có chất lượng môi trường đạt chuẩn, đảm bảo các tiêu chí về môi trường với ý thức bảo vệ môi trường được người dân tự giác thực hiện.
Tác giả bài viết: Võ Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn