Trong thời gian qua, bằng những giải pháp tổng thể huyện Thanh Oai đã thực hiện giảm nghèo bền vững cho các hộ dân tại địa phương, từng bước nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống. Tại thôn Đan Thầm, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai hiện còn 6 hộ nghèo trên tổng số 150 hộ. Thời gian qua, với sự quan tâm của huyện và các tổ chức đoàn thể xã, các hộ này đã được vay vốn ưu đãi cũng như hỗ trợ đào tạo nghề để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.
Tại xã Mỹ Hưng, là 1 trong 3 xã đã đủ điều kiện đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2018 của huyện Thanh Oai. Để giảm nghèo bền vững, xã không chỉ tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi mà còn vận động các tổ chức đoàn thể hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2012 là 71 hộ, chiếm tỷ lệ trên 4% thì đến cuối năm 2018 sau khi tiến hành tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo trong toàn xã thì số hộ nghèo đa chiều của xã là 17/1.768 hộ, đạt tỷ lệ 0,96%.
Ông Trịnh Minh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng cho biết, năm 2012 xã có 71 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,2%, hàng năm xã đã tổ chức phối hợp với ngân hàng chính sách cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề. Trong 8 năm qua, các hộ đã vay được gần 14 tỷ đồng từ ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Tính đến hết năm 2018, xã còn 38 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống còn dưới 2%.
Tương tự, tại xã Kim An, để thực hiện hiệu quả Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" xã luôn chú trọng đến công tác an sinh xã hội và giảm nghèo. Để khuyến khích người nghèo, Ủy ban MTTQ, các ban ngành đoàn thể xã được phân công trợ giúp người nghèo. Đặc biệt là chương trình cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp của Ngân hàng chính sách xã hội được triển khai hàng năm, tạo vốn để người dân phát triển kinh tế.
Kết quả vay vốn từ năm 2011 đến nay, từ các chương trình tổng dư nợ là 15,4 tỷ đồng, trong đó, vốn vay giải quyết việc làm là 7,4 tỷ đồng, vốn vay nước sạch vệ sinh môi trường là 7,5 tỷ đồng, vốn vay xây dựng nhà ở được hỗ trợ sửa chữa.
Trong những năm qua để giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, huyện Thanh Oai cũng triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, thúc đẩy quy hoạch xây dựng các mô hình chuyển đổi, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế cho những hộ còn khó khăn vươn lên thoát nghèo. Trong đó, huyện đã tập trung quy hoạch các vùng chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế phù hợp nhằm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế. Nhờ đó, cuối năm 2017, toàn huyện Thanh Oai có trên 1.600 hộ nghèo, chiếm 2,93%, thì với các giải pháp cụ thể, tạo sinh kế cho các hộ thoát nghèo bền vững, đến cuối năm 2018, toàn huyện còn trên 1.300 hộ nghèo, chiếm 1,3%.
Ông Nguyễn Văn Triệu, Phó phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Thanh Oai cho biết, để giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm, trong thời gian tới huyện sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình, làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tiếp tục khích lệ, động viên các hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tận dụng các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế.
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình chuyển đổi, phát huy lợi thế của địa phương có nhiều nghề truyền thống, huyện Thanh Oai cũng có chính sách khuyến khích nhân dân phát triển làng nghề, mở rộng sản xuất trong các cụm điểm công nghiệp, làng nghề kết hợp phát triển du lịch với mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững cho các hộ dân.