Trong khi thị trường thanh long ở tỉnh Bình Thuận vẫn đang ảm đạm, giá rớt thê thảm và thậm chí tại nhiều vườn không có thương lái vẫn đến mua, thì tại các vườn trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất đi Châu Âu vẫn bán được với giá cao, thậm chí không đủ hàng cung ứng. Điều đó cho thấy việc sản xuất thanh long chất lượng cao là hướng đi tất yếu để tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Ông Huỳnh Văn Tấc, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc vừa bán 1,5 tấn thanh long với giá 22.000 đồng/kg |
Ông Huỳnh Văn Tấc là thành viên của Hợp tác xã thanh long GlobalGAP Thuận Tiến ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Hơn 3.000 trụ thanh long của gia đình ông được chia ra nhiều đợt để chong điện xen kẽ. Lứa chong điện sớm này, 450 trụ cho ra 1,5 tấn trái đạt chuẩn xuất khẩu Châu Âu.
Ngày 8/10, trái trong vườn đồng loạt chín, Hợp tác xã Thuận Tiến đến lấy mẫu gửi vào TPHCM kiểm dịch. Một ngày sau, kết quả từ TPHCM gửi về cho biết đạt chất lượng, ông Tấc đã thuê công cắt và ủy thác Hợp tác xã bán cho đối tác với giá 22.000 đồng/kg. Trong khi các nông dân khác ở địa phương đang điêu đứng vì giá cả, thì ông Huỳnh Văn Tấc vẫn có nguồn thu ổn định.
“Nhờ GlobalGAP bây giờ thành viên của hợp tác xã rất ổn định, an tâm. Không phải bận tâm về giá cả cho nên, chúng tôi cứ tiếp tục sản xuất”, ông Tấc chia sẻ.
Cách đây vài hôm, các thành viên khác trong hợp tác xã như: ông Võ Hồng Chiến, ông Nguyễn Văn Hai và ông Trần Văn Trung cũng đã thu hoạch hơn 10 tấn thanh long bán với giá 22.000 đồng/kg (sau khi trừ các chi phí vận hành) đúng theo cam kết ủy thác từ đầu năm.
“Hợp tác xã hoạt động đến nay tròn hai năm. Theo cam kết của hợp tác xã là mua bán ủy thác cho nông dân. Những hợp đồng mình ký mấy năm giờ thì vẫn ổn định quanh năm, giá ổn định cho bà con yên tâm sản xuất”, ông Trần Đình Trung, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến cho biết.
Hợp tác xã Thuận Tiến đã liên kết được với các đối tác xuất hàng đi qua nhiều nước Châu Âu như: Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha... Trong năm nay, đang đàm phán thêm thị trường Thụy Sỹ, Anh, Mỹ và thị trường nội địa là các siêu thị lớn trong nước. Nguồn hàng của 11 thành viên trong hợp tác xã không kịp cung cấp cho các đơn hàng. Do đó, đơn vị vừa mở rộng liên kết ủy thác thêm 14 thành viên khác trên địa bàn xã Hàm Liêm sản xuất thanh long theo quy trình an toàn.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 29.000 ha thanh long. Để phát triển thanh long theo hướng bền vững, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo tập trung phát triển thanh long theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với liên kết doanh nghiệp xuất khẩu. Đến nay, trên địa bàn đã có trên 9.800 ha đạt chuẩn VietGAP và 262 ha được chứng nhận GlobalGAP.
Kỹ sư Phạm Hữu Thủ, Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, sản xuất VietGAP là nền tảng để nông dân nâng lên GlobalGAP. Khi sản phẩm đạt chất lượng và liên kết được với các đối tác, nông dân không lo đầu ra. Quan trọng nhất là sự quyết tâm thay đổi tập quán sản xuất của nhà nông.
“Sản xuất GlobalGAP là tiêu chuẩn của Châu Âu có ý nghĩa hết sức quan trọng, được hầu hết các nước thừa nhận. Tuy nhiên, việc sản xuất GlobalGAP đòi hỏi người nông dân phải thật sự làm đúng theo các điều kiện quy định, thì chắc chắn thanh long của chúng ta bảo đảm được chất lượng tốt xuất khẩu đến với tất cả các nước trên thế giới", ông Phạm Hữu Thủ nhận định.
Trong xu thế hội nhập, yếu tố đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng cần được đặt lên hàng đầu. Nông sản làm ra cần đảm bảo theo các tiêu chuẩn an toàn cho cả người tiêu dùng lẫn người trực tiếp sản xuất. Nông dân trồng thanh long mạnh dạn đổi mới cách nghĩ cách làm thì mới mong nâng cao giá trị nông sản làm ra. Một khi đảm bảo chất lượng, loại trái cây lợi thế này của Bình Thuận mới được nhiều nước chấp nhận, tránh lệ thuộc vào sự bấp bênh của một thị trường./.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn