Phóng viên Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hoài An - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố về những nhiệm vụ tiếp theo của địa phương sau sự kiện trên.
Đồng chí Nguyễn Hoài An - Chủ tịch UBND TP Vinh |
P.V: Đồng chí có thể cho biết thời gian qua thành phố Vinh đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại 9 xã trên địa bàn như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Hoài An: Việc thành phố Vinh vừa được trao Bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là sự kiện đánh dấu sự phát triển của các xã ngoại thành thành phố Vinh.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân thành phố Vinh đã tập trung huy động mọi nguồn lực tham gia, hưởng ứng, dành nguồn lực đầu tư, phân công đội ngũ bám địa bàn chỉ đạo sâu sát, kiểm tra làm từ dễ đến khó.
Thành phố đã triển khai phát động mạnh mẽ phong trào “Thành phố Vinh chung sức xây dựng nông thôn mới”, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức... ủng hộ tích cực. Cùng đó tổ chức cho lãnh đạo 9 xã đi học tập kinh nghiệp xây dựng nông thôn mới tại 4 tỉnh miền Nam. Ngoài ra, các xã Hưng Đông, Hưng Hòa, Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức, Hưng Lộc, Hưng Chính, Nghi Kim đã tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số xã trong và ngoài tỉnh.
Trồng hoa cho thu nhập cao ở xã Nghi Liên (TP. Vinh). Ảnh: Châu Lan |
Thành phố cũng đã ban hành các cơ chế hỗ trợ nguồn vốn riêng cho chương trình một cách kịp thời, hiệu quả, tạo động lực để nhân dân của các xã tích cực đóng góp thêm sức của, sức người xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như:
Năm 2015, thành phố hỗ trợ cho 3 xã phấn đấu về đích nông thôn mới (Nghi Phú, Hưng Hòa, Hưng Chính) với số tiền 5 tỷ đồng/xã để xây dựng mới các công trình nhà văn hóa xóm; năm 2016, thành phố hỗ trợ 15 tỷ đồng cho 2 xã Nghi Ân và Nghi Đức đầu tư xây dựng các công trình nhà văn hóa xã, xóm, trạm y tế xã.
Thành phố cũng ra chủ trương để lại tiền sử dụng đất phần phải nạp về thành phố (40%) cho các xã đối với quy mô khu đất khai thác dưới 1.000 m2 để tạo thêm nguồn lực cho các xã đầu tư xây dựng các công trình phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đối với cấp xã, Đảng ủy 9 xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, UBND các xã xây dựng Đề án nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nâng cao thu nhập cho người dân...
Qua nỗ lực phấn đấu, đến nay 9/9 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Đặc biệt là thành phố không nợ đọng xây dựng cơ bản.
Cải tạo ao đầm nuôi tôm ở Hưng Hòa, thành phố Vinh. Ảnh Võ Huyền |
P.V: Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới đối với đô thị Vinh loại 1 có gì khác với xây dựng nông thôn mới ở địa bàn các huyện, thị trong tỉnh, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Hoài An: Nông thôn mới của thành phố Vinh hiện nay đã đạt chuẩn các tiêu chí ở mức độ cao hơn; cụ thể là về hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất điện, đường, trường học... Cảnh quan môi trường cũng đòi hỏi chất lượng cao hơn, nhất là việc xử lý rác của các xã.
Thành phố thu gom rác của từng hộ, tất cả các hộ. Hệ thống nước thải đang được đấu nối ngày càng hoàn chỉnh. Mặt khác, nông nghiệp của các huyện sản xuất trên đồng, diện tích lớn và là nghề chính, còn ở thành phố nông nghiệp có thể làm ở vườn, ở đồng nhưng phải là nông nghiệp sạch, nông nghiệp tạo ra những sản phẩm giá trị cao và gắn với du lịch sinh thái.
Để làm được nông nghiệp sinh thái sẽ phải tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư. Các xã phải đứng ra thuê lại đất của dân cho các doanh nghiệp; còn doanh nghiệp đứng ra sản xuất có đầu tư lớn, người dân cùng tham gia.
Thành phố sẽ có cơ chế đầu tư cho doanh nghiệp sử dụng 2 ha đất trở lên sản xuất nông nghiệp sạch. Các sản phẩm thành phố hướng đến là hoa và rau sạch, cần được đầu tư hiệu quả và có xây dựng thị trường đầu ra rộng lớn.
P.V: Thành phố sẽ có những giải pháp gì để nâng cao các tiêu chí và nâng cao thu nhập cho người dân, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Hoài An: Quan điểm của thành phố là sau này có phát triển lên thế nào đi nữa thì vùng nông nghiệp vẫn tồn tại với hướng phát triển nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gắn du lịch sinh thái; đảm bảo cung cấp hàng hóa cho nội đô và là điểm đến cho các đoàn khách tham quan.
Trên cơ sở quy hoạch được điều chỉnh, thành phố sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng gồm đường, trường học, chợ, mương thủy lợi, xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Cảnh quan của 9 xã nông thôn mới tuy tỷ trọng nông nghiệp không lớn, nhưng phải giữ được cảnh quan của làng, đầu tư cây xanh, hoa... Đơn cử hiện nay thành phố đang đầu tư mương thoát nước, chợ hoa cho xã Nghi Ân...
Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân tại các xã như Quyết định số 05/2012 về việc ban hành Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông - ngư nghiệp hàng hóa; Quyết định số 14/2014 về ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản và sản xuất nông - ngư nghiệp hàng hóa từ nguồn ngân sách trên địa bàn, trong đó nổi bật là các cơ chế hỗ trợ phát triển các vùng rau an toàn phát triển bền vững gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm: hỗ trợ chi phí khảo sát địa hình, xây dựng hạ tầng rau, tập huấn, hội thảo, xây dựng và phát triển thương hiệu giúp gắn kết người dân và doanh nghiệp.
Trứng chim cút thương phẩm ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Tâm |
Trên lĩnh vực công nghiệp, thành phố đã quy hoạch, triển khai các bước đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tại xã Hưng Đông với tổng diện tích 39,51 ha, hiện đã thu hút 7 doanh nghiệp đăng ký đầu tư; quy hoạch cụm công nghiệp tại xã Nghi Ân 15 ha, xã Nghi Liên 20 ha, xã Nghi Kim 24 ha; ngoài ra trên địa bàn 9 xã hiện có 414 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 23.243 hộ sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, 9 xã có 9 chợ, 15 HTX dịch vụ nông nghiệp; 6 HTX phi nông nghiệp, 6 tổ hợp tác đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Thu nhập bình quân của người dân các xã năm 2014 đạt 27,67 triệu đồng/người, tăng hơn gấp đôi so với năm 2010 là 12,61 triệu đồng/người, năm 2015 đạt 31,47 triệu đồng/người; năm 2016 đạt 33,86 triệu đồng/người.
Hiện nay, UBND thành phố đang thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch phân khu các xã sau khi được thực hiện sẽ là cơ sở để các xã đầu tư phát triển kinh tế, thu hút đầu tư cũng như ứng dụng KHCN vào để nâng cao đời sống nhân dân.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2016 đạt 8,8%. Cơ cấu kinh tế các ngành: ngành dịch vụ chiếm 66,7%, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 31,58%, ngành nông nghiệp chiếm 1,72%. Thu nhập (GTGT thực tế) bình quân năm 2016 đạt 68 triệu đồng/người. Thu nhập bình quân của người dân các xã ngoại thành năm 2016 đạt 33,86 triệu đồng/người. Tổng thu ngân sách thành phố đạt cao nhất trong các năm gần đây: 2.193,05 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2020, xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ theo tinh thần Nghị Quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn