Tham dự buổi đối thoại có các đồng chí: Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã và 150 đại biểu nông dân, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã ở cơ sở.
Khẳng định quyết tâm trong xây dựng nông thôn mới
Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội hết sức quan tâm đến công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... Thực hiện Quyết định số 217, 218 của Trung ương, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên ban hành Quyết định số 6525; Quyết định số 2200 của Thành ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Riêng với đại biểu Hội Nông dân Thành phố, trước hội nghị lần này, tháng 3-2018, trực tiếp Bí thư Thành ủy đã chủ trì hội nghị gặp gỡ, đối thoại.
“Việc tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với đại biểu Hội Nông dân Thủ đô hôm nay là dịp để các đồng chí lãnh đạo Thành phố trao đổi, trả lời, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô. Đồng thời, lãnh đạo Thành phố cũng mong muốn lắng nghe cán bộ, hội viên nông dân tham gia góp ý để xây dựng các chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp; khẳng định quyết tâm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu rõ.
Tiếp đó, báo cáo về tình hình hoạt động của các cấp Hội Nông dân, ông Lê Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố cho biết, trong 10 năm qua, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, các cấp Hội Nông dân đã bám sát nhiệm vụ, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chung sức xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, các hội viên, nông dân đã hiến trên 415 nghìn m2 đất, đóng góp 4,5 triệu ngày công lao động; ủng hộ trên 700 tỷ đồng xây dựng các công trình... Hội Nông dân các cấp cũng tích cực động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, đến nay, đã xây dựng được 1.523 mô hình kinh tế tập thể với gần 39,3 nghìn hộ tham gia. Bên cạnh đó, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã được đông đảo hội viên nông dân tham gia, trở thành điểm sáng trong các phong trào thi đua của Hội.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp của Thành phố chủ yếu vẫn là công nghệ thấp, tính cạnh tranh chưa cao; các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả; vấn đề nước sạch khu vực nông thôn, ô nhiễm môi trường, phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật giả... còn phải quan tâm hơn nữa.
Cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Tại hội nghị, có 23 đại biểu nêu kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Thành phố với 5 nhóm vấn đề. Theo ông Chu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm, Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung hàng hóa và chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương gắn với triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX rau Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng phản ánh: Hiện nay, doanh nghiệp, HTX đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn chưa nhiều, chính vì thế, Thành phố cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...
Các đại biểu kiến nghị, đề xuất tại buổi đối thoại
Một số ý kiến đề nghị Thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong việc đầu tư tái đàn, phát triển chăn nuôi lợn sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi; có giải pháp tăng cường quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm để đảm bảo tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nhất là các loại thuốc trong danh mục cấm sử dụng và hóa chất kích thích tăng trưởng, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm...
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng và quản lý thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, huyện Thường Tín nêu kiến nghị Thành phố cần quan tâm hơn đến công tác này, để tiến tới thực phẩm bán ra thị trường phải có tem mác truy xuất nguồn gốc, có nhãn hiệu. Còn ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc HTX Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) mong muốn Thành phố tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác dự báo nhu cầu thị trường để doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất; đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác tiêu thụ để mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Thủ đô Hà Nội.
Một số ý kiến cũng đề nghị Thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án cải thiện chất lượng nước các dòng sông để đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu, kiến nghị với Trung ương các cơ chế, chính sách liên quan đến tích tụ ruộng đất; quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh chuyển dịch lao động và cơ cấu kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, cung cấp nước sạch đến các hộ dân nông thôn...
Giải đáp kiến nghị của đại biểu liên quan đến các vấn đề trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, trong thời gian tới, Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân biết, không sử dụng các loại thuốc giả. Thành phố cũng sẽ kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi thông tư theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả.
Ông Chu Phú Mỹ cũng cho biết, trong những năm qua, Thành phố đã tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh, quy mô lớn và sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, HĐND, UBND Thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó, có thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài ra, thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018 của Chính phủ, UBND Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Mười; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Thành phố đã trực tiếp giải đáp các kiến nghị, đề xuất cụ thể của đại biểu.
Giải quyết ngay những kiến nghị, đề xuất của nông dân
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, cảm ơn những ý kiến, kiến nghị xác đáng của các đại biểu, thông qua đó, khẳng định hoạt động của Hội Nông dân các cấp rất sâu sát cơ sở, phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của người nông dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, thông qua cuộc đối thoại, càng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn là đúng đắn, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân, là cơ sở và nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhấn mạnh 10 kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, đặc biệt là đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn được rõ nét; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư; an sinh xã hội được chăm lo; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc... Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho rằng, những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, năm 2020 và những năm tiếp theo, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân.
Cùng với đó, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ trong công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả...; nghiên cứu cơ chế khuyến khích nông dân liên kết, tích tụ ruộng đất để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan sâu sát cơ sở để tháo gỡ khó khăn, vước mắc. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tập trung giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Nhân dân. “Tinh thần chỉ đạo của Thành ủy là đối thoại, lắng nghe, ghi chép, có giải pháp thực hiện và đặc biệt là phải có kết quả để báo cáo trước Nhân dân”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.