| ||
Trên thực tế, không chỉ nông sản Việt Nam mà nông sản của rất nhiều nền kinh tế phải phụ thuộc vào nhà mua hàng lớn Trung Quốc, bởi kim ngạch nhập khẩu nông sản của quốc gia 1,38 tỉ dân này đã chiếm 1/10 kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu và tăng trưởng hằng năm.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nhưng hiện đang gặp một số khó khăn. Ðó là sản xuất nông sản vẫn theo quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc, phần lớn nông sản xuất khẩu sang là do các thương lái sang tận nơi để tìm nguồn hàng.
Dù là nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng Việt Nam vẫn thiếu thương hiệu về nông sản. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nghĩ rằng Trung Quốc là nước đông dân và có sức tiêu thụ lớn, người tiêu dùng nước này không có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế yêu cầu về chất lượng sản phẩm của họ đang ngày một tăng.
Ông Vũ Tiến Hùng, Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc), nhìn nhận phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện đều thiếu thông tin về thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, rất ít các doanh nghiệp chủ động tìm đến các phòng thương vụ để tìm hiểu, trong khi những thông tin này được cung cấp hoàn toàn miễn phí.
Do đó, để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, các diễn giả tại hội thảo cho rằng, về mặt quản lý vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động nắm bắt tình hình và xu hướng phát triển của thị trường; xây dựng và phổ biến chính sách hướng dẫn sản xuất nông nghiệp. Ðặc biệt, phải lưu ý vấn đề sản xuất những sản phẩm đúng với nhu cầu thị trường. Các cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh việc kết nối chính sách với cơ quan hải quan, kiểm dịch của các nước hữu quan để tạo điều kiện thuận lợi và kênh thương mại thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu nông sản; phát huy vai trò các tổ chức tài chính, tín dụng, cùng chia sẻ rủi ro với nông dân; tăng cường ứng công nghệ vào khâu chế biến nông sản, nhằm bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa.
Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhấn mạnh rằng thị trường Trung Quốc đã có những sự thay đổi, buộc các doanh nghiệp phải có cách tiếp cận mới. Do vậy, để xuất khẩu ổn định sang thị trường này thì khâu sản xuất phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu tiêu dùng; đồng thời, phải đầu tư hơn nữa vào khâu đóng gói, chế biến để gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam.
Tác giả bài viết: Nguyên Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn