Năng lượng tái tạo từ bã mía
Tại Brazil, ngành đường và ethanol không chỉ đơn thuần là thực phẩm và năng lượng mà còn là chương trình phát triển kinh tế quốc gia. Từ 1974, Brazil đã chú trọng việc tăng cường sản xuất năng lượng nội địa dựa trên các nguồn tái tạo. Giai đoạn 1975 – 2015, sản lượng ethanol dùng thay thế xăng dầu của Brazil đạt 2,5 tỷ thùng. Giá trị tiêu thụ xăng được thay thế giai đoạn này là 193 tỷ USD (không tính chi phí nợ nước ngoài).
Đa dạng hóa các sản phẩm từ đường sẽ góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển ngành mía đường. Ảnh: N.V
Từ năm 2016, Bộ NNPTNT đã bắt đầu xây dựng dự thảo nghị định về đường. Các doanh nghiệp thì muốn nâng lên thành luật nên dự thảo tạm dừng. Nghị định về mía đường sẽ sớm được thông qua năm 2018 khi các doanh nghiệp đồng thuận. |
Phillipines và Thái Lan cũng có chiến lược sản xuất xăng sinh học trong kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm của họ. Tại Việt Nam, đề án phát triển nhiên liệu sinh học đã có lộ trình từ năm 2018 chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5. Đây là một hướng đi để mở rộng chuỗi giá trị trong điều kiện hoạt động kinh doanh là sản phẩm đường còn nhiều khó khăn.
Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh cũng đã khởi động dự án xây dựng nhà máy sản xuất ethanol công suất 25 triệu lít/ngày để tận dụng phụ phẩm mật rỉ thu được từ nhà máy của công ty và của các công ty thành viên. Vấn đề hiện nay là tiêu thụ xăng sinh học tại thị trường nội địa đang gặp khó khăn. Giá thành cho điện tái tạo cũng chưa hợp lý.
“Việc sản xuất xăng sinh học sẽ gặp thách thức lớn nếu Chính phủ không có thêm những chính sách phù hợp cho sản phẩm này trong thời gian tới” - ông Phạm Hồng Dương - Giám đốc Công ty đường Thành Thành Công nhận định.
Phát triển cánh đồng lớn
Chia sẻ kinh nghiệm từ Thái Lan, ông Chaiwat Ngasan của Trung tâm Nghiên cứu mía đường Mitr Phol cho biết, chính sách đầu tư được triển khai một cách đồng bộ tại các nhà máy đường ở nước này.
Chìa khóa là thay đổi hệ thống thu mua, từ số lượng đến chữ đường trong mía. Thái Lan xử phạt rất nghiêm nếu nông dân trộn rác, đất đá vào mía khi bán cho nhà máy. Phải có sự kết nối giữa nông dân và nhà máy mới có kết quả tốt. Công tác nghiên cứu cũng phải được xem như cuộc đầu tư lớn để chuyển giao cho nông dân.
Ông Chaiwat kể đích thân quan chức ngành mía đường nhà nước phải trực tiếp đến vùng trồng mía thuyết phục nông dân. Ban đầu nông dân Thái cũng không tin tưởng. Nhưng nếu không liên kết làm cánh đồng mía lớn sẽ không triển khai cơ giới hóa được, chi phí đầu tư tăng cao...
Cần một đạo luật cho mía đường?
Trên cơ sở Luật Đường được ban hành từ năm 1952, Philippines có hệ thống phân chia rất chặt chẽ gọi là hệ thống "quedan". Hệ thống này bảo đảm người nông dân trồng mía có được 65 – 70% thu nhập từ bán đường, bất kể thị trường diễn biến ra sao. Thái Lan thì có một hệ thống bảo đảm tỷ lệ phân chia nông dân – nhà máy là 70/30 trên cơ sở Luật mía đường 1984.
Nông dân ĐBSCL vận chuyển mía vừa thu hoạch đi tiêu thụ. Ảnh: I.T
Theo ông Phạm Hồng Dương, đạo luật đường là cần thiết nhưng chưa đủ. Vấn đề này phải được hiểu rằng nếu không có luật thì các nhà máy đường và người trồng mía không thể ngồi cùng nhau thảo luận kế hoạch đồng bộ.
“Luật này không chỉ bảo vệ nhà sản xuất, lợi ích người trồng mía mà còn nhằm mục đích ổn định thị trường. Khi đó, nhà máy nếu có lợi cũng sẽ chia sẻ lại với nông dân” - ông Dương nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng Việt Nam tuy chưa có luật riêng nhưng vẫn có chính sách khác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết và sản xuất. Theo quy hoạch, diện tích trồng mía là 300.000ha nhưng đất đai còn phục vụ an ninh lương thực và các mặt hàng nông nghiệp chủ lực khác (10 mặt hàng).
Theo Thứ trưởng Nam, trước hết phải rà soát lại vùng quy hoạch. Xác định được vùng sản xuất rồi, doanh nghiệp phải tính đầu tư như thế nào cho hợp lý. Phải xem giải pháp xen canh, luân canh có thể mở rộng thêm diện tích được không bên cạnh việc liên kết nông dân lại. Trong nước có nhiều giống mía chất lượng cao, nhưng nhân rộng đồng loạt vẫn còn ít vì điều kiện thổ nhưỡng mỗi vùng khác nhau. Do đó, một trong những giải pháp hiệu quả hiện nay là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao chữ đường, tăng cường chế biến sản phẩm phụ sau đường…
“Cũng cần có cơ chế pháp lý hỗ trợ nhưng quan trọng vẫn là sự chủ động của doanh nghiệp. Thời gian tới, ngành đường phải xác định mục tiêu tái cơ cấu là gì. Từ mục tiêu cụ thể, doanh nghiệp xác định phải làm gì; từ đó có các đề xuất cho Chính phủ” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Nông dân Võ Văn Ten (Tây Ninh): Phải vì lợi ích chung! Việc đánh giá chữ đường hiện vẫn do các nhà máy đường đảm nhận, chưa có cơ quan độc lập giám sát. Tình trạng một số nơi mua bán mía xô, không mua theo chữ đường... chưa tạo sự đồng thuận giữa người mua và người bán. Thậm chí có nơi “cho chữ đường” đã tạo tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu, gây thiệt hại cho cả người trồng mía và nhà máy. Ông Huỳnh Vĩnh Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Iapa (Gia Lai): Tạo cơ hội hơn cho cây mía Tại sao cứ phải duy trì quá lâu chính sách bảo vệ cây lúa, làm mất cơ hội phát triển các loại cây trồng vật nuôi khác. Đơn cử, hiệu quả từ cây mì (sắn) rất thấp so với cây mía. Thu nhập từ mì lại bấp bênh vì lệ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong khi tác hại từ trồng mì rất lớn như làm xói mòn, bạc màu đất, ô nhiễm môi trường và hủy hoại rừng. Chủ trương tái cơ cấu nền nông nghiệp cần tham mưu lại để xử lý những vấn đề trên. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn