Cán bộ, chuyên gia trong nước và cả quốc tế xuất hiện trên cánh đồng mẫu lớn của AGPPS đã trở thành hình ảnh xuất hiện thường xuyên và quen thuộc ở An Giang. Ảnh: Tô Phước Thủ |
Cách đây tám năm, AGPPS triển khai chương trình Cùng nông dân ra đồng với 1.017 kỹ sư ra đồng trực tiếp tại 12.000 điểm, mô hình trên cả nước để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân. Nguồn nhân lực và tài chính này do bản thân AGPPS quyết định.
AGPPS đã xây dựng năm nhà máy gạo tại Vĩnh Bình, Thoại Sơn (An Giang), Vĩnh Hưng (Long An), Tân Hồng (Đồng Tháp), Hồng Dân (Bạc Liêu). Dự kiến đến năm 2018, công ty sẽ hoàn thành 12 nhà máy, mỗi nhà máy có công suất 200.000 tấn/năm với tổng diện tích vùng nguyên liệu 360.000ha.
Cánh đồng lớn với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ lúa tươi với bà con nông dân. Nông dân được cung ứng giống, thuốc, phân bón với lãi suất 0% suốt vụ, được hỗ trợ miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy và thu mua lúa theo giá thị trường. Nếu giá lúa chưa ưng ý, nông dân có thể gửi trong kho 30 ngày không tính phí lưu kho. Nông dân hưởng lợi nhưng cũng là thách thức đối với AGPPS, do chi phí tăng trong khi việc xuất khẩu gạo vẫn tồn tại những khó khăn.
Bản thân hệ thống quản trị AGPPS cũng đã phải thay đổi, tính toán khá lâu cho việc bán – mua cổ phiếu cho nông dân. Hiện nay, lại có sự tham gia tài trợ từ ngân hàng nước ngoài, AGPPS có thêm lực để thúc đẩy cánh đồng lớn. Đồng thời AGPPS cũng đứng trước thách thức năng lực quản trị.
Ông Đỗ Thái Bình, giám đốc quan hệ khách hàng doanh nghiệp lớn, ngân hàng Standard Chartered cũng nhận ra điều này, cho rằng: “Điểm yếu có thể bù lại bằng đồng thuận và nhiệt huyết”. Các đồng nghiệp của ông nhận xét: vấn đề hiện nay là quản lý và thực hiện.
AGPPS có kinh nghiệm làm việc với nông dân rất tốt, chính ngân hàng phải học kinh nghiệm quản trị này. Ngược lại, ngân hàng có thể chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về thị trường chứng khoán, cổ phiếu, hỗ trợ vốn và phát triển kinh doanh của AGPPS.
Được thành lập vào năm 1993, AGPPS là công ty hàng đầu Việt Nam về sản xuất và là chủ sở hữu mạng lưới phân phối thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống lớn nhất Việt Nam. Mạng lưới này bao gồm 25 chi nhánh, 510 nhà phân phối cấp 1 và 5.000 nhà phân phối lẻ… Đặc biệt khi có sự tham gia của các tổ chức kinh doanh tiền tệ quốc tế và “phép thử” 5% cổ phiếu dành cho nông dân tham gia cánh đồng lớn, công ty sẽ phải tiếp tục tự điều chỉnh cấu trúc, nâng cao cách quản trị.
Ông Bình cho biết thêm về hành trình hình thành đối tác này tại Việt Nam của Standard Chartered: “Đầu tiên là lợi ích kinh tế, sau đó là các hoạt động gắn với môi trường, xã hội… Chúng tôi mất ba năm để theo dõi, nâng cấp quan hệ như bây giờ với AGPPS. Nếu vì lợi ích kinh tế bất chấp tình trạng mất cân bằng xã hội hay gây hại cho môi trường là ngược với chuẩn mực toàn cầu của Standard Chartered”.
Người phát ngôn của AGPPS cho biết: Ngân hàng Standard Chartered hiểu thực trạng và đã xác định: thúc đẩy khả năng cấu trúc sáng tạo và đầy đủ bộ sản phẩm tiêu chuẩn để cung cấp giải pháp sáng tạo thích hợp cho AGPPS kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tài trợ ngắn và trung hạn (như tài trợ trước xuất khẩu, tài trợ thu hồi và tài trợ liên quan đến dự án, mở rộng mạng lưới khách hàng quốc tế…)
Riêng ông Bình khẳng định: “Cánh đồng lớn không có nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công như AGPPS. Dù chưa mỹ mãn nhưng lợi ích nông dân được bảo đảm, chuỗi cung ứng – tích hợp theo chiều dọc – không chỉ trong ngành lúa gạo mà nhiều ngành khác, nước khác đã chứng minh được tính đúng đắn”.
Theo dự kiến, AGPPS sẽ xây 12 nhà máy chế biến lúa gạo. Nhưng cả hai bên đều tin rằng có thể có 15 – 18 nhà máy được xây dựng, không chỉ xay xát lúa gạo mà có thể triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy chiết xuất tinh dầu cám hoặc làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh… trong các cụm chế biến.
Cơ cấu sản phẩm sẽ rất phong phú. Doanh thu, thương hiệu, tỷ suất lợi nhuận… sẽ thay đổi rất lớn. Ngay cả khi AGPPS muốn đầu tư ở các nước khác thì Standard Chartered cũng có thể hợp tác.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn