Theo số liệu của UBND tỉnh, đến thời điểm 31-12-2016, toàn tỉnh có tổng số 1.650 cán bộ quản lý HTX, trong đó số đã qua đào tạo 578 người, chiếm 35%, còn lại là chưa qua đào tạo. Cùng với đó, lực lượng này có độ tuổi trung bình cao, từ 55 tuổi trở lên chiếm 70%. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp thu trình độ khoa học, kỹ thuật mới, hạn chế trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mở rộng liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.
Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29-12-2016 của Bộ Tài chính về cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 đã quy định: Hỗ trợ mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX. Mức hỗ trợ tối đa cho 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 3 lao động. Những lao động này về làm việc tại HTX được Nhà nước hỗ trợ tiền lương hằng tháng bằng mức lương tối thiểu vùng được quy định với thời gian không quá 36 tháng. Đối với HTX phi nông nghiệp hỗ trợ bằng với mức lương tối thiểu vùng cùng thời gian 36 tháng nhưng chỉ tối đa được 1 cán bộ.
Cán bộ HTX Nông dược xanh Tinh Hoa (huyện Hoành Bồ) kiểm tra quá trình phát triển cây hướng dương. |
Tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 4-8-2017, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5663/UBND-NLN3 về việc đề xuất kế hoạch kinh phí thực hiện bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX nông nghiệp. Theo đó có thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc ở HTX, hiện có 12 HTX đã đăng ký xin hỗ trợ 13 cán bộ về làm việc với các lĩnh vực khác nhau. Trên cơ sở đó, tỉnh đã lựa chọn 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại 3 địa phương, gồm: Móng Cái 1 HTX; Đầm Hà 1 HTX; Đông Triều 2 HTX. Các cán bộ trên sẽ được bố trí vào các vị trí chuyên môn, như: Phó giám đốc, cán bộ kỹ thuật, kế toán... tổng kinh phí hỗ trợ cho 5 cán bộ trên là 612 triệu đồng.
Là một trong 2 HTX của TX Đông Triều được lựa chọn thí điểm đưa cán bộ về làm việc, ông Trần Trọng Thoan, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Hưng Đạo, chia sẻ: Với việc chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp, cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên và người dân trên địa bàn, trước đây HTX chỉ làm trung gian cung cấp các thiết bị vật tư cho thành viên chứ chưa có hướng dẫn sử dụng theo quy trình của từng loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Khi được hỗ trợ một kỹ sư trẻ về HTX, chúng tôi rất phấn khởi, vì cán bộ này trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cây trồng cho người dân, nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động của HTX.
Tương tự là HTX Nông, lâm, ngư nghiệp An Thái (TP Móng Cái) được hỗ trợ 2 cán bộ trẻ về làm việc, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX, cho biết: Hoạt động của HTX chủ yếu tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tỏi đen, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh. Trước đây, chúng tôi rất yếu về khâu quảng bá sản phẩm và khâu kỹ thuật, nay được hỗ trợ cán bộ kỹ thuật, marketing, chúng tôi hoạch định được thị trường, phát triển sản phẩm tỏi đen hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến người tiêu dùng theo quy trình khép kín.
Mặc dù đưa cán bộ trẻ về HTX là cần thiết nhưng vẫn còn không ít băn khoăn, trở ngại. Ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Sau khi hết thời hạn 36 tháng và không còn hỗ trợ của Nhà nước, liệu HTX có đủ khả năng trả lương bằng với mức hỗ trợ để giữ cán bộ ở lại không; đồng thời, cán bộ trẻ có muốn gắn bó lâu dài trong khi tiềm lực của HTX vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, ngoài việc quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các HTX phải vươn lên sản xuất, kinh doanh có hiệu quả mới thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng.
Tác giả bài viết: Dương Trường
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn