Miền Trung đang trải qua đợt nắng hạn khốc liệt nhất trong vòng 10 năm qua. Hiện nay, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận, nhiều hồ đập đã dưới mực nước chết, sông suối cũng cạn kiệt, thiệt hại nặng nhất là nông dân. Điều đáng nói là tình trạng hạn hán được dự báo trước, tuy nhiên công tác chống hạn vẫn bị còn bị động, chưa bắt đầu từ gốc.
Trong khi nắng hạn đang ở mức đỉnh điểm thì công tác chống hạn ở miền Trung vẫn ở phần ngọn. Làm thế nào để chống hạn hiệu quả nhằm đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp bền vững? Câu hỏi xem ra chưa có lời giải.
Hơn 20 hồ chứa nước của Ninh Thuận giờ đã cạn kiệt, dung tích chứa chỉ còn 7%. Nước không đủ cho gia súc uống nói gì đến tưới cho hoa màu. Ông Nguyễn Quang Sơn, xã An Hòa, huyện Bắc Ái vừa thả đàn cừu ra đồng thì chúng lại chạy về lại nhà để tìm nước uống. Số cừu chết tăng lên, trong khi giá cừu thịt thì giảm theo nắng hạn. "Cừu nhà tôi chết 30 con, mỗi ngày phải mua 500.000 đồng tiền cỏ cho cừu ăn" - ông Sơn cho biết.
Đồng khô cỏ cháy, gia súc phải nhốt ở nhà. Dù khốn khó nhưng nông dân phải mua rơm cho gia súc ăn cầm chừng, 18.000 con gia súc chủ yếu là cừu và bò đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng . Chăn nuôi được xem là lối thoát của nông dân vùng hạn hán như Ninh Thuận, tuy nhiên lối thoát này đang dần bị khép lại nếu hạn hán tiếp diễn.
Ninh Thuận hiện có 19.000 ha đất lúa, là nguồn sống của hơn 30 vạn nông dân. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh rất bấp bênh do không chủ động được nguồn nước tưới. Để tự cứu mình, nông dân đào giếng lấy nước. Nhưng nguồn nước giếng chỉ tưới được một vài đợt. Việc chuyển đổi cây vẫn chưa được triển khai. Hạn hán năm nào cũng xảy ra, việc chống hạn ở tỉnh Ninh Thuận rất mạnh mẽ nhưng lại trông chờ vào Trung ương là chính
Đỗ Vinh - Đình Hiệp
Theo vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn