Bán non mãng cầu
Ngoài trồng rau, anh Trần Ngọc Lĩnh (ngụ TP.Tây Ninh) có vài công đất trồng mãng cầu. Theo lời anh, có 2 cách để bán mãng cầu là “bán mão” nguyên cả vườn hoặc chủ vườn tự hái trái chở ra vựa để bán. Tuy nhiên, giống như các mặt hàng rau quả khác, nông dân bán mãng cầu cho vựa ít khi biết trước giá cả thu mua.
Ngoài trái mãng cầu đã có chỉ dẫn địa lý, các loại trái cây khác ở Tây Ninh hầu như chưa có thương hiệu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tây Ninh đang tổ chức sản xuất lại theo hướng cánh đồng lớn để hướng đến xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Tây Ninh hiện đứng thứ 4 trong vùng về năng suất bình quân các loại rau ăn quả, xếp đầu về quy mô đáp ứng đủ tiêu chí xây dựng cánh đồng lớn. Tây Ninh còn là một phần trong chuỗi cung ứng rau quả cho TP.HCM. |
Do giá cả thị trường không ổn định, nhiều nông dân thường không trồng tới khi thu hoạch, mà chọn bán cả vườn cho thương lái từ khi trái còn non nhằm giảm rủi ro hoặc để lấy tiền trước do thiếu vốn sản xuất.
Hiện mãng cầu và nhiều loại trái cây khác ở Tây Ninh chưa có chợ đầu mối tập trung và phân loại sản phẩm để phân phối. Mãng cầu được thương lái bán cho các chợ địa phương, các siêu thị, nhà hàng. Một phần lớn được vận chuyển đi TP.HCM và các tỉnh, còn một phần rất nhỏ được xuất khẩu.
Là một trong số ít những nông dân tự mình đưa trái mãng cầu xuất khẩu ra thế giới, nhưng theo ông Huỳnh Biển Chiêu, để làm được như vậy là không dễ vì chi phí đầu tư lớn, kỹ thuật chăm sóc phức tạp.
Công tác bảo quản sau thu hoạch là bài toán khó nhằn nhất mà ông Chiêu đến nay vẫn chưa giải được. “Mãng cầu chuyển hóa độ đường rất nhanh nên khi rời khỏi cành, trái mau chín và dễ hư. Kể cả đóng bịch rút chân không, nhưng khi vừa đưa khỏi buồng lạnh, vỏ sẽ bị thâm đen ngay” - ông Chiêu nói.
Theo ông Nguyễn Trung Sâm ở Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh, địa phương này có điều kiện khí hậu, nguồn nước và đất đai thích hợp với nhiều lại cây ăn quả nhiệt đới, đặc biệt là trái mãng cầu trồng dưới chân núi Bà Đen. Trình độ thâm canh của người trồng cũng được tích lũy từ nhiều năm. Những công nghệ mới cũng được ứng dụng đã tạo được nền móng cho áp dụng quy trình VietGAP.
“Tuy nhiên, những điều kiện sản xuất, chế biến và tiêu thụ vẫn chưa kết nối được. Hình ảnh trái mãng cầu tuy đã cải thiện nhiều về năng suất, chất lượng nhưng chưa có những bước phát triển đột phá” - ông Sâm cho biết.
Thiếu liên kết, nông nghiệp khó phát triển
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh trên nhiều loại cây ăn trái như mãng cầu với 4.700ha, nhãn với 3.300ha, xoài với 2.300ha, chuối với 1.700ha, cây có múi với 1.600ha. Nhưng sản xuất vẫn còn phân tán nên hiệu quả từ cây ăn trái thiếu ổn định, tiểm ẩn nhiều rủi ro.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, nguồn thu nhập của người nông dân chủ yếu từ sản xuất cây ăn trái nên họ thường trồng nhiều loại cây trên một mảnh vườn khiến các chính sách như quy hoạch, khoa học công nghệ, quản trị chuỗi trở nên khó thực hiện.
Mặt khác, mối liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo. Giá trị gia tăng của ngành hàng cây ăn trái thấp do chất lượng sản phẩm không cao. Quy trình sản xuất theo VietGAP còn hạn chế. Trừ cây mãng cầu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cây ăn trái khác hầu như chưa có thương hiệu.
Theo ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT, khi chuỗi cung ứng chưa hình thành, sản phẩm chưa thể truy nguồn gốc, giá trị hàng hóa vẫn sẽ thấp và hiệu quả sản xuất vẫn bấp bênh. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện chính sách thực hành nông nghiệp tốt gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị.
Ngoài ra, tỉnh chưa có nhiều cơ sở sơ chế, đóng gói nên giá trị sản phẩm rau còn thấp. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trên nông nghiệp để tạo sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hầu như chưa có. Mô hình trồng rau, trái an toàn chưa được nhân rộng.
Tác giả bài viết: Nguyên Vỹ
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn