|
Nghề ươm giống cây keo mang lại hiệu quả cho người dân thôn Hòa Hải. |
Đòn bẩy để thôn này vượt lên chính là từ việc trồng rừng và ươm giống cây lâm nghiệp. Không ít hộ có tổng thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm.
Không giống như trồng rừng phòng hộ, người dân Hòa Hải trồng rừng kinh tế hiện nay đã đầu tư thâm canh lớn để nâng cao chất lượng rừng và rút ngắn chu kỳ canh tác, tăng cao hiệu quả kinh tế. Việc đầu tư trồng rừng thâm canh đã giúp người dân có được nguồn thu nhập đáng kể và yên tâm với nghề rừng. Là người gắn bó từ ngày đầu lập nghiệp, bà Ngô Thị Phi vẫn còn vẹn nguyên ký ức, lúc đó đất rừng nơi đây chủ yếu là những dãy đồi trọc lam nham lau lách, chuyện làm giàu từ rừng chưa được người dân nghĩ tới. Đến khi kinh tế rừng bắt đầu phát triển ở một số địa phương, chuyện trồng rừng nguyên liệu giấy (keo lai) đem lại thu nhập khá đã thức tỉnh người dân nơi đây. Bà con đã nhận ra thế mạnh của vùng đất này và đã đầu tư khai hoang, cải tạo đất để trồng rừng.
Hiện nay, Hòa Hải có hơn 200ha rừng trồng. Gần 80% hộ dân trong thôn đều gắn bó với kinh tế rừng, dựa vào rừng để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Đặc biệt là nghề ươm giống cây tái sinh rừng sau khai thác phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/năm...
Theo ông Trần Văn Lân, suốt thời gian dài, cuộc sống của các hộ dân nơi đây cứ trôi qua trong khốn khó. Đường đất mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi phủ mờ, đi lại vô cùng khó khăn. Ruộng lúa nước cũng chỉ hơn 3ha nhưng canh tác lại không hiệu quả nên mọi người chỉ trông chờ vào những cánh rừng. Song, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, cuộc sống sung túc vẫn cứ xa vời. Chỉ đến khi người dân được giao đất, giao rừng làm tư liệu sản xuất thì vùng đất khó này dần dần bị chinh phục bởi các rừng keo xanh ngút ngàn. Cùng với việc chính quyền địa phương triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới thì cuộc sống người dân, diện mạo nông thôn Hòa Hải đã hoàn toàn thay đổi.
Trước đây, nhiều hộ dân trồng rừng theo kiểu “nhờ trời”, không bón phân, ít chăm sóc nên chất lượng rừng không tốt, thời gian trồng rừng kéo dài và năng suất vào thời điểm khai thác cũng không cao nên nguồn thu nhập không đáng kể. Hơn 10 năm trở lại đây, phong trào trồng rừng bắt đầu phát triển mạnh do áp dụng nhiều biện pháp khoa học - kỹ thuật nên các hộ dân dần thay đổi phương pháp canh tác từ hình thức quảng canh sang chuyên canh. Với việc thực hiện giải pháp trồng rừng chuyên canh dựa trên cơ sở áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp và liên hoàn để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hiệu quả kinh tế không chỉ nâng cao thu nhập cho người trồng rừng mà còn bồi dưỡng được chất đất và môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển trồng rừng ổn định lâu dài và bền vững. Nhờ đó, cây rừng sinh trưởng và phát triển nhanh đạt tỷ lệ sống hơn 90%. Chu kỳ trồng rừng chuyên canh cũng được rút ngắn từ 1 đến 2 năm, năng suất lại tăng gần 1,5 lần so với trồng rừng quảng canh.
|
Năng suất rừng trồng chuyên canh sau khai thác tăng gần 1,5 lần. |
Ở Hòa Hải, nói về điển hình làm giàu từ kinh tế rừng có hàng chục hộ. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến hộ ông Võ Sơn - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn. Vợ chồng ông là một trong những người tiên phong mở ra hoạt động ươm tạo cây keo lai, để rồi đến nay thôn Hòa Hải trở thành làng ươm cây giống với hơn 50 hộ tham gia với số lượng từ 70 đến 100 ngàn cây/vụ. Hiện nay, không chỉ đáp ứng đủ cây giống chất lượng cao tại chỗ mà bà con còn xuất bán cây con cho nhiều địa phương ở Quảng Nam, TT-Huế...
“Nếu không mạnh dạn mở ra hoạt động ươm cây và triển khai trồng rừng, có lẽ đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn cao. Hiệu quả từ việc trồng rừng nguyên liệu theo hình thức chuyên canh đã được khẳng định qua vài vụ, nhưng hiệu quả sẽ còn tăng lên, giá trị từ đất rừng sẽ thu về xứng đáng một khi bà con tiếp thu và áp dụng kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc để khép kín quy trình sản xuất” - ông Sơn cho biết.
Tác giả bài viết: VY HẬU
Nguồn tin: cadn.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn