Theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, sau 1 năm triển khai dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi ATTP trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và phối hợp Bộ NNPTNT triển khai dự án nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế trên địa bàn Hà Nội, thành phố đã hình thành 21 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, có 9 chuỗi thịt lợn, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi sữa bò tươi và 2 chuỗi tổng hợp. Hàng ngày, các chuỗi này cung cấp cho thị trường khoảng 25,4 tấn thịt lợn; 0,35 tấn thịt bò; 13,3 tấn thịt gia cầm; 296.000 quả trứng gia cầm và khoảng 78 tấn sữa.
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội (giữa) cùng các lãnh đạo ngành nông nghiệp thăm gian trưng bày thực phẩm theo chuỗi. ảnh: Internet
Việc tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi bước đầu đã đi vào ổn định thông qua các ràng buộc hợp đồng rõ ràng trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi. Một số chuỗi đã hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng tại tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, tạo ra được các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm ATTP và truy xuất được nguồn gốc.
Ngoài ra, các chuỗi đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu chứng nhận. Đặc biệt, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sản phẩm an toàn - sản xuất theo chuỗi - truy xuất được nguồn gốc".
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu lưu ý ngành nông nghiệp Thủ đô cần tập trung phát triển chăn nuôi theo quy hoạch của thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, gắn công tác phát triển chăn nuôi với việc xây dựng NTM theo chủ trương của thành phố; tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, chú trọng ứng dụng công nghệ cao để tạo ra số lượng hàng hóa lớn với chất lượng ổn định và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Theo Thu Hằng/Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn