Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4/2017 tổ chức sáng nay (11.3) tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là "mái nhà Đông Dương", nằm trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội. Tây Nguyên có 2 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, chiếm 74,25% đất bazan cả nước, rất phù hợp với phát triển cây công nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp và lâm nghiệp rất lớn cùng với vị trí độ cao có khí hậu rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi đại gia súc. Trong đó, Đà Lạt có gần 5.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 47% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tây Nguyên đã khẳng định được thương hiệu, giữ vị trí số 1 về một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn như cà phê, hạt tiêu, hạt điều.
Tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ cho rằng: “Phải thẳng thắn nhìn nhận các sản phẩm đó chúng ta vẫn xuất thô, giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới. Có nhiều mặt hàng sản lượng thứ 2, thứ 3 thế giới mà chưa dẫn dắt giá thế giới mà vẫn phụ thuộc giá thế giới. Chúng ta phải suy nghĩ về điều này. Kể cả ở Tây Nguyên, cây mắc ca có thể phát triển được nhưng chưa đặt vấn đề phát triển cây này. Thị trường mắc ca rất rộng lớn, Trung Quốc đã làm rất thành công, và chúng ta không có lý do gì không thành công như thế, đây là một vấn đề cần đặt ra ở Tây Nguyên”.
Thủ tướng cho biết: “Chúng ta xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chúng ta chưa đạt như kỳ vọng, chúng ta đang chú trọng hạt tiêu đen, trong khi hạt tiêu trắng đỏ hiệu quả đạt gấp 4 lần, đó là chưa kể đến chế biến dược liệu từ cây tiêu. Sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, nhưng kim ngạch chưa đạt yêu cầu. Mặt hàng thứ ba là cao su, là một trong mặt hàng nhóm đầu thế giới nhưng 80% là xuất thô, sơ chế xuất khẩu, chúng ta phụ thuộc thế giới rất lớn. Chính vì vậy tại hội nghị này, tôi muốn nêu ra một chiến lược đối với vùng Tây Nguyên, đó là Tây Nguyên phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng sinh thái, giàu có về văn hóa. Phải phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp dược liệc theo chuỗi giá trị để sản xuất hàng hóa lớn".
Thủ tướng nói: “Theo tôi, giải pháp cho phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên là chúng ta phải hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, tập trung quy mô lớn giá trị hàng hóa lớn. Chúng ta đi vào chế biến sâu và mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng thương hiệu Tây Nguyên thân thiện với nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Thu hẹp khoảng cách, từng bước vươn lên thuộc các địa phương nhóm đầu trong cải thiện môi trường đầu tư”.
Tác giả bài viết: Đình Thắng - Duy Hậu
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn