14:37 EST Thứ bảy, 18/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

"Thủ tướng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có"

Thứ ba - 13/09/2016 21:50
“Dân biết Thủ tướng đã luôn đôn đốc, nhắc nhở và sốt ruột thế nào trước sự chuyển động chậm chạp của bộ máy. Nhưng rõ ràng sức ỳ của bộ máy Chính phủ vẫn còn quá lớn.”– bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

 

Xem lại kỳ 1

Tiếp tục cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, bà Phạm Chi Lan đã nói về những công việc khó khăn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, về sức ì của bộ máy, về cách tính GDP không giống ai của Việt Nam và gợi mở cách thu hút nguồn vốn trong dân.

Nợ công cao có cả trách nhiệm của Quốc hội

Nhiệm kỳ này chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang phải đối diện với những khó khăn nào? Nợ công cao, đặc biệt nợ Chính phủ đã vượt ngưỡng an toàn, hay 3 đột phá chiến lược thực hiện quá chậm chạp. Bà đã thấy dấu hiệu về những biện pháp thúc đẩy nào chưa?

Đúng vậy, ông Phúc và chính phủ đang phải đối diện với khó khăn số 1 là nợ công cao. Tuy nhiên nợ công cao không nên chỉ quy trách nhiệm cho Chính phủ, mà tôi nghĩ Quốc hội cũng có vai trò, trách nhiệm rất lớn trong việc này, bởi nói cho cùng theo Hiến pháp, luật pháp Việt Nam, thì Quốc hội mới là người quyết định về ngân sách nhà nước. Chính phủ là người điều hành tất nhiên có quyền lực rất lớn, nhưng người quyết định phân bổ từ đầu, bấm nút thông qua dự toán và quyết toán cũng phải chịu trách nhiệm chứ.

Nếu như Quốc hội thật nghiêm trong việc quyết định thông qua dự toán và quyết toán ngân sách, thì cũng có thể ngăn chặn đáng kể tình trạng đầu tư dàn trải và chi thường xuyên quá lớn, tình trạng các bộ ngành, các tỉnh đua nhau xin dự án và phóng tay chi tiêu, coi tiền nhà nước như tiền chùa, bất chấp thực tế nguồn thu ngân sách rất hạn hẹp.

Hơn 5 năm trước, khi vấn đề đầu tư công trở nên nóng bỏng và nợ công tiếp tục tăng, nhiều người đã ngỡ ngàng khi mỗi năm Việt Nam có tới hơn 300.000 dự án đầu tư công. Như vậy là quá tham lam, nhà nước ôm đồm nhiều việc của thị trường, của xã hội, và yêu cầu phải giảm bớt số dự án đầu tư công.

Số người hưởng lương và ăn theo nhà nước cũng quá lớn và ngày càng tăng, khiến cho tỷ lệ chi thường xuyên liên tiếp lập kỷ lục mới và chiếm tới gần 70% chi ngân sách. Những tiếng kêu đó đã nhiều phen làm nóng diễn đàn Quốc hội, nhưng rồi tình trạng trên vẫn chưa cải thiện được nhiều.

Phạm Chi Lan, Chính phủ, sức ì
Có nhiều gánh nặng đang đè lên vai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ nhiệm kỳ này. Ảnh: VietnamNet.

Vì thế phải nói cho đầy đủ, không chỉ Thủ tướng hay Chính phủ, mà Quốc hội và cả các bộ ngành, HĐND và UBND các địa phương cũng có trách nhiệm lớn trong việc chung sức chặn đà tăng của nợ công, chi tiêu công.

Còn nhớ năm xưa khi Bộ Chính trị không bật đèn xanh cho dự án đường sắt cao tốc, thì Quốc hội mới có thể bấm nút bác bỏ dự án 56 tỷ USD đó. Nếu không dự án đó sẽ chất thêm cả đống tiền vào gánh nợ công của Việt Nam.

Khó khăn thứ hai là nợ xấu. Chúng ta đã có 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, nợ xấu được báo cáo là đã giải quyết được một phần lớn trong nhiệm kỳ trước, nhưng hóa ra cách giải quyết vẫn là đưa từ túi nọ sang túi kia, dồn nó sang cái túi của Công ty Quản lý Tài sản (VAMC), chứ chưa phải đã giải quyết được. Bây giờ nó lại trở thành vấn đề rất lớn, vừa phải xử lý với những khoản đã đưa về VAMC, vừa phải xử lý những khoản nợ đang tồn tại và những khoản tới hạn.

Hàng loạt vụ gần đây bị đưa ra tòa cho thấy quản trị trong không ít ngân hàng lỏng lẻo và dễ sinh ra những rủi ro lớn như thế nào. Tất cả những thứ đó đang trở thành gánh nặng mà Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục phải lo xử lý.

Ba đột phá chiến lược thực hiện chưa nhanh như kỳ vọng cũng là một khó khăn lớn mà chính phủ nhiệm kỳ này phải đối mặt.

Trong ba đột phá đó, cải cách thể chế và phát triển nguồn nhân lực đã được bàn và đưa vào vô số các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhưng thực thi thì vẫn vướng mắc đủ đường. Kiểm điểm lại, kết quả có thể tính được có lẽ chủ yếu là số nghị quyết, văn bản đã ban hành thôi, còn khó mà xác định đã làm được những việc gì thực sự tạo nên đột phá hay ít nhất là sự thay đổi đáng kể trong hai lĩnh vực này.

Về hạ tầng, tuy đã hoàn thành một số công trình lớn, có ý nghĩa và đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, nhưng vẫn còn đó những dấu hỏi về sự lãng phí, thất thoát tiền của, hay hiệu quả, chất lượng của công trình, và nhất là những bài toán lớn chưa giải được về nhu cầu và nguồn lực, về tính toán hiệu quả và xác định ưu tiên, về phân vai hay phối hợp giữa nhà nước và xã hội, về phương thức huy động vốn và quản lý các dự án hạ tầng…

Với cả ba đột phá chiến lược này, tiền đề quan trọng nhất là đổi mới tư duy. Chắc chắn một mình Thủ tướng và Chính phủ không thể gánh toàn bộ trách nhiệm về sự thiếu vắng nhân tố đó. Song nhân dân cả nước đang đòi hỏi các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước phải thực hiện bằng được nghị quyết của cả Đại hội Đảng lần thứ XI và XII về ba đột phá chiến lược này để khơi thông con đường phát triển của đất nước trong những năm tới.

Ngoài ba khó khăn trên, giờ đây còn có cả những vấn đề mà trước đây chưa từng xảy ra như biến đổi khí hậu, hạn hán cả trăm năm mới có, hay nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, một phần do biến đổi khí hậu, một phần cơ bản hơn nhiều do dòng nước từ thượng nguồn chảy về bị chặn bởi các ông láng giềng lớn nhỏ. Sông Hồng cũng đang đứng trước nguy cơ tương tự. Hay như thảm họa ô nhiễm môi trường đã và chưa bị phát hiện.

Tôi nghĩ tất cả những vấn đề nêu trên là những gánh nặng lớn đổ lên vai Thủ tướng và Chính phủ hiện nay.

Mỗi lần có những người mới lên cầm quyền, người dân lại thầm hy vọng những người đó có thể đổi mới hơn, cố gắng hơn, làm tốt hơn. Từ hy vọng biến thành niềm tin lại là một khoảng cách, mà chỉ có hành động và kết quả thực sự của nhà nước mới thu hẹp khoảng cách đó được.

Đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người dân cảm nhận được Thủ tướng có sự gần dân và lắng nghe tiếng nói của dân. Người dân thấy được suốt từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng đã lăn lộn vào công việc, hoạt động không ngừng nghỉ, và đã tập trung giải quyết nhiều việc vì dân, vì doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tiến hành một số việc lớn, có tầm chiến lược như cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp… Người dân cũng biết Thủ tướng đã luôn đôn đốc, nhắc nhở và sốt ruột thế nào trước sự chuyển động chậm chạp của bộ máy của mình.

Nhưng rõ ràng sức ì của bộ máy của Chính phủ vẫn còn quá lớn, khiến cho khoảng cách từ cam kết đến hành động của Chính phủ vẫn còn xa, và giữa hy vọng và niềm tin của người dân đối với Chính phủ cũng vậy. Có những việc không có gì là khó khăn hay phức tạp, nhưng bộ, ngành hay địa phương có trách nhiệm không quan tâm hoặc không muốn giải quyết, nên cứ để kéo dài, như quy định về kiểm tra mẫu vải nhập khẩu hay thông tư 20 về nhập khẩu ô tô.

Vụ Trịnh Xuân Thanh chẳng hạn, có đáng gì mà dai dẳng trên mặt báo suốt mấy tháng nay, khiến cho người dân đặt ra bao dấu hỏi! Vụ con ông cựu bộ trưởng lại là một dạng khác, với việc bổ nhiệm đầy tính lợi ích nhóm như thế, mà sau vài tháng xem xét, rốt cục Bộ Công thương vẫn tuyên bố ráo hoảnh là đúng quy trình!

Tình trạng một số cơ quan và công chức vô cảm trước bức xúc của dân và doanh nghiệp, hành xử vô trách nhiệm và bất chấp công luận trong các vụ việc mà dân quan tâm không ít. Trong khi đó, thói nhũng nhiễu, vòi vĩnh, thậm chí trắng trợn đòi hối lộ ở nhiều nơi chưa giảm. Sự bất cập về năng lực và suy kém về đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong bộ máy có lẽ là một trong những thách thức và trở ngại lớn đối với Thủ tướng hiện nay.

Cách tính GDP địa phương chỉ có ở Việt Nam

Có hiện tượng đáng lo ngại là có những địa phương đua nhau phát triển GDP để lập thành tích, tìm mọi cách nâng cao thu nhập ngân sách, nhất là cách thu hút đầu tư mà không để ý tới môi trường, làm ảnh hưởng tới GDP chung của đất nước. Theo bà, Chính phủ của ông Phúc phải hành xử thế nào để khắc phục tình trạng này?

Từ cuối nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Dũng đã đưa ra ý kiến chỉ đạo về cách tính GDP, theo đó sẽ xóa dần cách tính GDP tỉnh mà chỉ tính GDP chung cho cả nước. Hướng như vậy hoàn toàn đúng, tiếc là vẫn chưa nhanh như kỳ vọng.

Biểu hiện rõ nhất là trước Đại hội Đảng XII, cả nước có Đại hội Đảng của các địa phương, và ở hầu hết các nơi, khi đánh giá thành tựu phát triển của nhiệm kỳ 5 năm trước, thì GDP bao giờ cũng là chỉ tiêu quan trọng số 1 và được tính khá cao, che đi hoặc bù cho những mặt yếu kém, ví dụ như nông nghiệp chưa bứt lên, đời sống của người dân chậm được cải thiện, DN chết nhiều… Đại hội ở địa phương luôn có đại diện TƯ về dự, chỉ đạo. Nếu TƯ vẫn lấy con số GDP làm thước đo chính để đánh giá các tỉnh, thì làm sao mà các tỉnh có thể không chạy theo GDP!

Cái này vượt khỏi tầm Thủ tướng?

Vâng, cách thức như vậy có thể vượt khỏi tầm của Thủ tướng. Nhưng tôi nghĩ Thủ tướng và Chính phủ là người điều hành cỗ máy kinh tế của cả nước phải có vai trò rất quyết định trong việc thay đổi tư duy cũ này. Quốc hội cũng có vai trò lớn trong việc giao các chỉ tiêu tăng trưởng 5 năm và hàng năm cho Chính phủ, trong đó có chỉ tiêu tăng GDP.

Chừng nào còn coi tăng trưởng GDP là chỉ tiêu số 1 và phải thực hiện bằng được, Quốc hội cũng coi GDP là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá kết quả làm việc của Chính phủ và chính quyền các địa phương, mà không cần biết GDP được tăng bằng yếu tố gì hay với cái giá nào, thì chừng đó các địa phương còn chạy theo GDP tỉnh.

Phạm Chi Lan, Chính phủ, sức ì
Bà Phạm Chi Lan.

Và người ta sẽ đua nhau lôi kéo các dự án đầu tư của nhà nước, của DN, của FDI về tỉnh mình với mọi kiểu ưu đãi, bất kể hiệu quả ra sao, bất kể môi trường có thể bị ô nhiễm thế nào, bất kể bao nhiêu người dân có nguy cơ mất đất và mất phương tiện sinh sống trong nhiều thế hệ. Tài nguyên, đất đai của nhiều địa phương cũng sẽ bị khai thác hối hả, cạn kiệt để thỏa cơn nghiện tăng trưởng GDP.

Trên thế giới có lẽ chẳng nước nào tính GDP tỉnh cả. Việt Nam thì dùng GDP tỉnh để đánh giá, định hướng phát triển của các địa phương, và địa phương thì dùng GDP tỉnh làm cơ sở để xin đầu tư, xin ngân sách, để lãnh đạo địa phương được thăng tiến. Vì vậy kết quả tính toán con số GDP tỉnh nhiều khi không dựa trên cơ sở khoa học, khách quan, mà dựa vào mong muốn của lãnh đạo tỉnh.

Các dữ liệu liên quan cũng có thể bị làm sai lệch đi. Do đó trong bao nhiêu năm ở nước ta cứ kéo dài nghịch lý là hầu hết các tỉnh đều tăng GDP cao hơn nhiều, có khi gấp rưỡi, mức tăng chung của cả nền kinh tế quốc gia. Dữ liệu, thống kê không đáng tin cậy cũng không thể giúp có cơ sở để tính toán, hoạch định chính sách phát triển đúng đắn.

Chạy theo GDP tỉnh sẽ đẩy hệ thống các thiết chế của Việt Nam lún sâu thêm vào tình trạng cát cứ, manh mún, từ đấy ngân sách và các nguồn lực quốc gia bị phân bổ và sử dụng một cách dàn trải, kém hiệu quả, thiếu công bằng, gây lãng phí chung. Từ cách phân bổ nguồn lực như vậy lại dễ dẫn đến chạy chọt, đổi chác, thỏa thuận ngầm và phụ thuộc lẫn nhau giữa các cấp về tài chính, gắn với khả năng dành cho nhau những lá phiếu và chiếc ghế quyền lực.

Khi quyền lợi về kinh tế và chính trị đan xen với nhau trong bộ máy nhà nước như vậy, thì kẻ thua thiệt cuối cùng chắc chắn sẽ là người dân, xã hội và nền kinh tế.

Nhiệm kỳ này mong Thủ tướng và Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm chấn chỉnh, trước hết bằng thay đổi cách tính GDP và hệ thống các chỉ tiêu làm thước đo đánh giá kết quả phát triển của các tỉnh cũng như của cả nền kinh tế.

Các chỉ tiêu về năng suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng dụng và sáng tạo công nghệ, đào tạo lao động và tạo việc làm, cải thiện thu nhập và mức sống thực tế của nhân dân, khả năng tiếp cận và chất lượng các dịch vụ giáo dục, văn hóa, y tế, vệ sinh, giảm nghèo đa chiều… cần được coi trọng hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

Chính phủ phải cương quyết không cho phép việc lôi kéo đầu tư bằng mọi giá, nhất là bằng chi phí quá lớn về tài nguyên như năng lượng, đất, nước, khoáng sản, môi trường… mà không đảm bảo hiệu quả cao. Kể cả các dự án đã nằm trong quy hoạch nhưng bây giờ không còn phù hợp thì cũng cương quyết cắt bỏ. Đến cuối nhiệm kỳ, tôi mong sẽ không còn chỉ số GDP tỉnh trong thống kê kinh tế của nước ta nữa.

Có thể thay thế ODA bằng nguồn vốn của dân không?

Việt Nam hiện nay đang thiếu vốn để đầu tư phát triển, và dường như rất cần nguồn viện trợ, nhất là song phương, từ bên ngoài. Thế nhưng nguồn viện trợ song phương đó cũng có những hiểm họa khó lường là gây ra chỉ định thầu, đội vốn lên, thời gian chậm trễ, cuối cùng vốn vay ODA lại là vay đắt, tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông là ví dụ tiêu biểu nhất. Có những ý kiến cho rằng nên tìm cách thu hút nguồn vốn từ người dân, theo bà, cách đó có khả thi không?

Ngay khi Việt Nam bước vào ngưỡng thu nhập trung bình, các chuyên gia quốc tế cũng như Việt Nam đã đề cập tới hướng Việt Nam sẽ giảm dần tiếp nhận ODA, tiến tới không nhận ODA từ bên ngoài nữa (còn gọi là “tốt nghiệp ODA”), và thậm chí đến giai đoạn phát triển cao hơn còn sẵn sàng đi cấp viện trợ cho các nước khác. Đấy là con đường mà tất cả các nước phát triển cao hơn đã trải qua, trừ một số nước phát triển sớm nhất đã chỉ dựa vào sức mình trong thuở ban đầu rồi sau này đi cấp ODA cho nước khác.

Từ năm 2010 trở lại đây, khi trở thành nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã phải vay ODA với lãi suất cao hơn, thời gian ân hạn ngắn hơn, thời gian hoàn trả cũng ngắn hơn. Mấy năm gần đây nước ta rơi vào thời kỳ phải trả nợ nhiều hơn cho những khoản vay ODA từ những năm đầu đổi mới, và mật độ trả nợ sẽ tiếp tục tăng lên cho đến khoảng năm 2020, chiếm một phần rất cao trong ngân sách, ảnh hưởng đến ngân sách dành cho đầu tư công, chi tiêu công.

Mặt khác, tuy vẫn được các nhà tài trợ cấp ODA nhiều, và tốc độ giải ngân cũng khá hơn, nhưng không phải khoản vay nào ta cũng sử dụng hiệu quả.

Có địa phương vẫn ngộ nhận ODA là tiền được cho, nên cứ xin lấy được. Cũng có dự án năng lực thực hiện kém nên nuốt không trôi.

Những khó khăn về giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng… nhiều khi cũng làm tiến độ giải ngân bị chậm lại, khiến tiền vay chưa kịp sử dụng đã phải trả lãi. Từ đó buộc Việt Nam phải xem xét lại, không chạy theo vay ODA lấy được nữa, mà phải rất cẩn trọng khi tính bài toán vay-trả.

Có những quy định khác nhau giữa các nhà tài trợ khi cung cấp ODA. Hầu hết các nước phát triển cao trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cho vay không ràng buộc, nghĩa là sau khi thỏa thuận về các điều kiện và khoản tiền vay, bên cho vay để phía ta tự quyết định chọn mua thiết bị, vật tư hay sử dụng tư vấn, nhà thầu để thực hiện dự án, miễn là qua một tiến trình đấu thầu minh bạch, sòng phẳng.

Cũng có khi các nước này áp dụng điều kiện ràng buộc, nhưng thường lại đi cùng với những ưu đãi cao hơn, như về lãi suất, thời gian hoàn trả. Còn các nước khác như Trung Quốc thường cho vay đi cùng với điều kiện ràng buộc phải dùng nhà cung cấp của họ, từ tư vấn thiết kế đến cung cấp thiết bị, vật tư và thi công.

Không phải mọi ODA với điều kiện ràng buộc đều bất lợi cho bên đi vay, nhất là khi vay của các nước OECD. Điều quan trọng nhất là cả hai bên phải rất minh bạch, sòng phẳng, và bên ta phải đủ trình độ đánh giá các nhân tố then chốt của dự án và kiểm soát quá trình thực hiện.

Mua thiết bị, vật tư, dịch vụ của các nước tiên tiến có thể đắt hơn, nhưng chất lượng tốt, hoàn thành đúng hạn, độ bền vững cao, tiết kiệm năng lượng, sạch về môi trường, lại có thêm cơ hội học hỏi và được chuyển giao công nghệ, gắn với điều kiện vay rất ưu đãi và không bị đội vốn lên, thì cuối cùng hiệu quả vẫn cao.

Cầu Mỹ Thuận dùng ODA của Úc là một điển hình tốt cho kiểu vay này. Cây cầu này đến nay vẫn giữ kỷ lục về giá thành thấp, mức tiết kiệm vật tư cao, chất lượng tuyệt vời và chuyển giao công nghệ hiệu quả cao.

Mua thiết bị, vật tư, dịch vụ của các nước tiên tiến có thể đắt hơn, nhưng chất lượng tốt, hoàn thành đúng hạn, độ bền vững cao, tiết kiệm năng lượng, sạch về môi trường, lại có thêm cơ hội học hỏi và được chuyển giao công nghệ, thì cuối cùng hiệu quả vẫn cao. Cầu Mỹ Thuận dùng ODA của Úc là một điển hình tốt cho kiểu vay này. Cây cầu này đến nay vẫn giữ kỷ lục về giá thành thấp, mức tiết kiệm vật tư cao, chất lượng tuyệt vời và chuyển giao công nghệ hiệu quả cao.

Nhưng với ta, có vẻ kinh nghiệm vui thì ít, kinh nghiệm cay đắng thì nhiều hơn. Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đầy tai tiếng kéo dài chưa biết đến bao giờ mới xong và khi xong thì chất lượng thế nào, gánh nợ tăng lên mấy lần so với con số ban đầu, chưa tính được. Điện Bắc Giang mới làm xong đã đắp chiếu.

Đau hơn nữa là khá nhiều vụ ta vay ODA không ràng buộc, nhưng lại giao dự án vào tay các nhà thầu láu cá, để rồi vừa bị kéo dài thời gian và đội giá lên cao, vừa có sản phẩm tồi, vừa phải xử lý nhiều hậu họa về môi trường, lao động và người nhập cư trái phép do nhà thầu mang vào. Những dự án đó gây phương hại cho nền kinh tế, tạo gánh nợ lớn hơn và tiếng xấu cho người Việt Nam, và thường có nhiều khuất tất nên ta thua thiệt mà không làm gì được. Ai cũng thấy phải biết nói không với loại dự án này, nhưng sợi dây kinh nghiệm xem ra quá dài, rút mãi chưa hết!

Về nguồn vốn trong nước, tôi cũng cho rằng nguồn vốn trong dân vẫn còn nhiều, và nên tìm cách huy động. Tất nhiên, Nhà nước không nên, không thể và không được phép đưa ra những biện pháp bắt buộc người dân phải chấp nhận sự huy động của nhà nước.

Cách tốt nhất là tạo môi trường kinh doanh tốt, tạo các kênh huy động và quản trị vốn minh bạch, chắc chắn, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, tạo niềm tin để người dân yên tâm bỏ tiền tham gia.

Với sự lớn mạnh của khu vực tư nhân trong nước và cam kết mở cửa ngày càng rộng hơn cho các DN nước ngoài tham gia các dự án ở nước ta, kể cả trong lĩnh vực đầu tư công, với khả năng phát triển các dự án thực hiện bằng phương thức hợp tác công-tư (PPP), đã tới lúc Chính phủ có thể tính tới bước đi mới, mạnh dạn hơn theo hướng tăng dần vai trò của các nhà đầu tư tư nhân, giảm dần vai trò đầu tư của nhà nước, để nhà nước tập trung cao hơn vào các nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển, giám sát thực hiện các dự án đầu tư dùng vốn ODA và vốn từ các nguồn vay khác, khắc phục những khiếm khuyết của cả nhà nước lẫn thị trường và đảm bảo hiệu quả, lợi ích của người dân và nền kinh tế trong các dự án này.

Đó cũng là cách thiết thực chuẩn bị cho ngày nước ta “tốt nghiệp ODA”.

Còn nữa
 

Theo Vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 294


Hôm nayHôm nay : 47945

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 967922

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 74014893