Đây là cuộc đối thoại lần thứ 2 kể từ cuộc đối thoại đầu tiên của Thủ tướng với nông dân tại tỉnh Hải Dương vào tháng 4/2018.
Dự cuộc đối thoại do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản" có 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân.
Tại đây, Người đứng đầu Chính phủ sẽ trao đổi những chủ trương, chính sách lớn của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, Thủ tướng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như những đề xuất, kiến nghị, hiến kế... của nông dân.
Hoan nghênh, chào mừng 300 đại biểu nông dân dự đối thoại, phát biểu mở đầu sự kiện, Thủ tướng bày tỏ mong muốn bà con nêu ra các vấn đề thiết thực như sản xuất sản phẩm giá cao, cạnh tranh không được trong khi hội nhập quốc tế thì sản phẩm nước ngoài vào, làm gì để có sản phẩm tốt, giá thành hạ để bán cho người tiêu dùng trong nước và hướng về xuất khẩu. Nhà nước phải làm gì, người dân phải làm gì, Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, dự đối thoại còn có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản như Ngân hàng Nhà nước, “lãi suất làm sao để bà con vay được vốn, trong 6 nhà thì có nhà băng, nhà ngân hàng rất quan trọng”.
Như đối với Bộ Tài chính, có trách nhiệm gì trong hỗ trợ một số công việc thuộc phạm vi quản lý cho bà con nông dân. Hay với ngành Giao thông vận tải, nếu không giảm chi phí logistic, chi phí vận tải thì làm sao cạnh tranh được? Không có khoa học công nghệ, nghiên cứu giống mới, chịu hạn, mặn thì làm sao có thể chống chọi với thiên tai, thời tiết…
Thủ tướng cũng muốn nghe ý kiến của bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Đó cũng là lý do tổ chức cuộc đối thoại hôm nay tại TP. Cần Thơ, thủ phủ miền Tây. Sắp tới, theo Thủ tướng, sẽ tổ chức cuộc đối thoại tại khu vực miền Trung để chính sách sát hơn với các vùng.
Nhà nước quan tâm, Thủ tướng đặt vấn đề, người nông dân cũng phải tự đổi mới, phải vào hợp tác xã, liên kết làm sao. Tính chủ động của bà con rất quan trọng, nếu cứ làm bài cũ, sản xuất tràn lan, thâm dụng đất đai, ảnh hưởng đến môi trường, không tự tái cơ cấu thì khó thành công.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến sâu sắc, sát thực của các cấp Hội Nông dân và các bộ, ngành cần tham gia trả lời thẳng thắn, trách nhiệm.
Ban tổ chức cho biết, đã nhận 2.000 câu hỏi từ nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước gửi đến Thủ tướng, tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm: sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững, tiêu thụ nông sản; vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường...
Theo ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, đảm bảo có lãi mà để giải quyết được, cần có các giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt… Đó là lý do để ban tổ chức lấy chủ đề buổi đối thoại như nêu trên.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc đối thoại này.