Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sáng 19/5).
“Dù tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ 4% nhưng Thủ tướng yêu cầu Bộ hết sức quan tâm tình trạng thất nghiệp, tình trạng thiếu việc làm, vấn đề việc làm cho sinh viên ra trường. Đề nghị Bộ phải nghiên cứu kỹ vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề liên quan tới quỹ bảo hiểm xã hội”.
Ý kiến chỉ đạo trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiễn Dũng truyền đạt lại tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sáng 19/5.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải giải trình về 8 vấn đề “nóng” như: đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, xuất khẩu lao động, tai nạn lao động, công tác dạy nghề, xâm hại trẻ em…
Báo cáo của Tổ công tác cho thấy, tính từ đầu năm 2016 tới nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã được giao 483 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 373 nhiệm vụ, còn 107 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, 3 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.Tổ công tác đề nghị Bộ giải trình, làm rõ về 3 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành với quyết tâm không để nhiệm vụ quá hạn trong thời gian tới.
Một trong những vấn đề Thủ tướng yêu cầu phải giải trình là chính sách với người có công. Cụ thể, vẫn còn nhiều trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ. Vẫn còn tình trạng hồ sơ giả, cán bộ ở cơ sở lợi dụng quyền hạn để trục lợi…
Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu Bộ khẩn trương, nghiên cứu đề xuất đề án cải cách chính sách với người có công, đánh giá toàn diện, đề xuất sửa đổi căn bản chính sách, đặc biệt quan tâm đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Người có công.
Câu chuyện về một Phó chủ tịch xã ở Hà Nam khi còn làm cán bộ ngành lao động thương binh và xã hội đã trục lợi hơn 30 triệu đồng, rồi nhà cán bộ 2 tầng nhưng nhà các đối tượng chính sách lại rất nghèo...đã được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến như là một minh chứng cho sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ.
Vấn đề lao động, việc làm, tiền lương cũng là nội dung được Thủ tướng yêu cầu Bộ phải hết sức quan tâm, trong đó có tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm…Cần có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để cung cấp cho xã hội.
Đồng thời, các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương rất cần sự nhất trí, đồng thuận của người dân để bảo đảm khả thi. Đề nghị Bộ nghiên cứu kỹ vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề liên quan tới quỹ bảo hiểm xã hội…
Cùng với đó là công tác dạy nghề được quan tâm đầu tư với ngân sách rất lớn, nhưng so với kỳ vọng và yêu cầu phát triển trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cả nước có khoảng 25 triệu lao động nông nghiệp, chiếm hơn 55% số lao động cả nước, mỗi năm có gần 1 triệu người đến tuổi lao động.
Ngoài ra, một số vấn đề “nóng” khác cũng được Thủ tướng yêu cầu Bộ Phải giải trình như: hoạt động xuất khẩu lao động, từ quản lý các công ty xuất khẩu lao động, các địa phương có người đi lao động, công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động đáp ứng yêu cầu của nước sở tại. Chú ý công tác thanh tra, kiểm tra các công ty, nắm bắt tình hình lao động Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời bảo hộ, can thiệp, mở rộng thêm nhiều thị trường…
Vấn đề an toàn lao động cũng là câu chuyện khiến cả xã hội quan tâm. Theo thống kê của Cục An toàn lao động, năm 2016 cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm 862 người chết, hơn 1.900 người bị thương. Đề nghị Bộ có giải pháp kiềm chế tai nạn, tăng cường an toàn lao động.
Cùng với đó, tình trạng xâm hại thân thể trẻ em, quản lý các cơ sở cai nghiện, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ, tri ân người có công cũng được Thủ tướng yêu cầu Bộ phải giải trình, làm rõ và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Trước đó, theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ cần Trình Quốc hội điều chỉnh Luật Lao động, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu tối đa lên 5 năm. Đối với nam giới từ 60 lên 62, nữ giới từ 55 lên 58 hoặc 60 tuổi. Mục đích của đề xuất này là do Bộ cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn giữa của “dân số vàng” và “già hóa”. Quá trình già hoá dân số của các nước phát triển có thể lâu, nhưng ở Việt Nam sẽ chỉ khoảng dưới 20 năm.
Chính vì vậy, việc tăng tuổi hưu để tận dụng nguồn lực là thực tiễn không thể né tránh.
Theo Song Hà/VnEconomy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn