Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam-Hàn Quốc, ngày 29/8, tại TPHCM. Ảnh: VGP/Thu Lê |
Theo số liệu thống kê, từ năm 1992 đến năm 2018, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng 132,4 lần, từ 0,5 tỷ USD lên 66,2 tỷ USD, định hướng tới năm 2020 đạt mức 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tới 47,9 tỷ USD. Việt Nam hiện là nước nhập siêu lớn nhất từ Hàn Quốc với mức 29,7 tỷ USD vào năm 2018.
Cũng trong năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 35,2 tỷ USD nông sản, nhưng hàng nông, lâm thuỷ sản của Việt Nam chỉ chiếm 5,9% thị phần. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, trong đó có các sản phẩm ngành nông, lâm, thuỷ sản vào thị trường Hàn Quốc nhằm góp phần giảm bớt nhập siêu.
Theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Việt Nam là nước có sản lượng sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản lớn do các lợi thế về khí hậu, đất đai, nhân công… nhưng lại chưa phát huy được thế mạnh này trong xuất khẩu tới các thị trường “khó tính”.
Tại Hàn Quốc, mức tiêu thụ rau trung bình là 200 kg/người/năm và trái cây 60 kg/người/năm, cho thấy nhu cầu về các sản phẩm nông sản là rất lớn. Tuy nhiên, cùng với đó là những yêu cầu khá khắt khe, nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch… Vì vậy, ông Hong Sun cho rằng muốn xuất khẩu nhiều hơn sang Hàn Quốc, nông sản Việt phải được công nghiệp hoá, đồng bộ về chủng loại và chất lượng, cũng như phải xây dựng được các thương hiệu mạnh để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện.
Về giá cả, do chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất còn thấp, chi phí sản xuất cao… nên tại thị trường Hàn Quốc, nông sản của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh giá được với các nước khác.
Ông Hong Sun cũng cho biết, hiện nhiều sản phẩm rau quả tươi của Việt Nam trước khi xuất đi đều phải được chiếu xạ để bảo đảm điều kiện, tuy nhiên, hiện mới chỉ có trung tâm chiếu xạ ở miền Nam, các loại nông sản miền Bắc như chanh leo, vải thiều, nhãn… không thể vận chuyển tới được. Từ đó, ông Hong Sun đề xuất cần có thêm nhiều trung tâm chiếu xạ phục vụ nhu cầu xuất khẩu nông sản của các đơn vị nhanh và hiệu quả nhất.
Chia sẻ về vấn đề nhiều công ty Hàn Quốc bị lừa đảo khi đặt các đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam, ông Hong Sun kiến nghị các cơ quan quản lý cần có giải pháp cụ thể, triệt để nhằm giải quyết, tránh làm mất uy tín của nông sản Việt.
Còn theo ông Song Sung Hoon, Tổng Giám đốc CJ Freshway Việt Nam, vấn đề của nông sản Việt nằm ở vùng nguyên liệu.
“Dù xuất khẩu nông sản tươi hay đã qua chế biến thì chất lượng vùng nguyên liệu cũng rất quan trọng. Nếu nhận được một đơn hàng lớn mà doanh nghiệp không chủ động được, phải đi thu gom ở nhiều nơi với chất lượng khác nhau thì không thể bảo đảm yêu cầu. Bên cạnh đó, nếu nguyên liệu có vấn đề cũng không thể chế biến được những sản phẩm đạt chuẩn”, ông Song Sung Hoon lý giải.
Ông đề xuất các cơ quan Nhà nước nên đưa ra các chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn… để các doanh nghiệp hình thành các vùng nguyên liệu ổn định. Về phía các doanh nghiệp, cần sát sao với người sản xuất từ những bước đầu tiên của nuôi trồng như nguyên liệu, giống, phân bón đến quá trình sản xuất, thu hái, bảo quản sản phẩm; cam kết với họ về việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đồng thời có những hỗ trợ cần thiết cho họ theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi… thay vì chỉ kiểm tra an toàn của sản phẩm cuối cùng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, muốn biến tiềm năng thành kết quả thực tế, việc đầu tiên cần làm là xây dựng được cơ chế thông tin thường xuyên giữa doanh nghiệp hai nước để chia sẻ các thông tin thị trường, vùng nguyên liệu… từ đó tăng cường hợp tác, giao thương, đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề như thiếu thông tin, doanh nghiệp lừa đảo, giả mạo.
“Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và các Bộ Công Thương, Nội vụ xem xét thành lập hiệp hội doanh nghiệp Việt-Hàn. Thông qua đó, các vướng mắc sẽ được kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng của cả hai nước để cùng tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại song phương phát triển đúng với tiềm năng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng nguyên liệu, Thứ trưởng cho rằng các doanh nghiệp nên lập liên doanh, hợp tác với các trang trại, hợp tác xã để có vùng nguyên liệu chủ động, bảo đảm chất lượng, đồng thời cũng là cơ sở kêu gọi vốn từ các quỹ tín dụng. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ cấp mã số vùng nuôi trồng và các vấn đề kỹ thuật khác.
Từ xu xướng ưa thích các sản phẩm hữu cơ của thị trường trong và ngoài nước, Thứ trưởng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ nhằm đưa những quy định cụ thể, cơ sở pháp lý đầy đủ để các doanh nghiệp triển khai các sản phẩm này.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, hiện Việt Nam mới chỉ có 70.000 ha nuôi trồng sản phẩm hữu cơ, tiềm năng còn rất lớn, nhất là những vùng núi, vùng cao đất đai chưa nhiễm hoá chất. Các doanh nghiệp hai nước nên có sự phối hợp đầu tư vào các vùng nguyên liệu, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ, xây dựng chuỗi sản xuất để đưa sản phẩm hữu cơ đến đúng địa chỉ.
Thu Lê/ Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn