Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi mô hình quản lý chợ, hoạt động hiệu quả, thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại nông thôn. Song việc thực hiện xã hội hóa trong quản lý, kinh doanh chợ còn khó khăn.
Những năm qua, ngành Công Thương phối hợp chính quyền các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại. Nhiều chợ nông thôn được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, phục vụ phát triển thương mại ở địa phương.
Ông Ngô Đức Tình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), cho biết: “Năm 2016, chợ mới Nhơn Hải được xây dựng và đưa vào hoạt động. Xã đã tổ chức đấu thầu công khai để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, kinh doanh chợ và đóng phí theo quy định. Đến nay, chợ Nhơn Hải hoạt động có hiệu quả, thu hút nhiều tiểu thương từ nơi khác đến kinh doanh tại chợ”.
|
Hoạt động mua bán tại chợ mới Nhơn Hải. |
Ông Phan Thanh Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế TX An Nhơn, cho hay: Trên địa bàn TX An Nhơn có 18 chợ, hầu hết đã được nâng cấp, xây mới, hoạt động ổn định; riêng chợ Đồn (xã Nhơn Thọ) do HTX quản lý, chợ Đập Đá (phường Đập Đá) do DN đầu tư quản lý, các chợ còn lại đều có ban quản lý, tổ quản lý chợ. Các đơn vị quản lý chợ đều thực hiện đúng phương án kinh doanh, đảm bảo hoạt động mua bán, vệ sinh môi trường, ANTT...
Tuy nhiên, việc thực hiện xã hội hóa quản lý, kinh doanh chợ nông thôn còn khó khăn. Theo Sở Công Thương, việc xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh chợ nông thôn không thu hút được nhà đầu tư do thời gian thu hồi vốn chậm mà không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Phan Thanh Hòa cho rằng, khi nhà đầu tư bỏ vốn ra thì phải thu lợi nhuận nên mức thu các hộ kinh doanh tại chợ sẽ cao hơn, tiểu thương khó chấp nhận; nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chợ thấp thì không đáp ứng nhu cầu đầu tư.
Việc đầu tư chợ nông thôn cũng khó khăn hơn vì phải cạnh tranh với hệ thống cửa hàng bán lẻ ở nông thôn, hoạt động của chợ theo thói quen tiêu dùng ở địa phương... Chính vì vậy DN vẫn chưa “mặn mà” trong đầu tư kinh doanh chợ.
Theo ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương): Nhằm thực hiện xã hội hóa quản lý, kinh doanh chợ, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút các DN đầu tư phát triển chợ, mở rộng hệ thống phân phối ở địa bàn nông thôn. Cần có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thương mại. Quan trọng nhất là các địa phương cần tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, môi trường; đề xuất nguồn thu phù hợp với mô hình quản lý chợ để đảm bảo kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Theo baobinhdinh.com.vn