Ngày 18-8, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa thông báo ông Nguyễn Dăng (ngụ thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) tiếp tục nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa hiệp y để làm hồ sơ cho ông Dăng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đam mê máy móc
Đến thị trấn Vạn Giã, chúng tôi dễ dàng tìm thấy nhà ông Dăng vì dân ở đây ai cũng biết. Ông Dăng cho biết lập nghiệp từ năm 1990, khi mới học xong nghề sửa động cơ diesel ở Đắk Lắk. Xuất thân từ nhà nông, vốn liếng chẳng bao nhiêu lại mới lập gia đình nên cuộc sống của ông rất khó khăn. Nhiều đêm ông vắt óc suy nghĩ phải làm sao thoát nghèo cho vợ con đỡ khổ.
Năm 1993, thấy việc đồng áng của nông dân rất khổ, ông Dăng nghĩ mình có nghề máy, tại sao không ứng dụng để giải phóng sức lao động? Nghĩ là làm, ông hùn tiền mua một máy cày cùng 3 người khác.
Ông Nguyễn Dăng thường xuyên kiểm tra máy móc để bảo đảm hiệu quả khi sử dụng
"Hồi đó, chiếc máy giá trị 4 lượng vàng. Tôi vét hết của cải chỉ có 1 lượng góp vào. Bốn anh em cùng nhau cày thuê cho người dân quanh vùng. Sau đó, 3 người kia ớn quá vì công việc bấp bênh nên nghỉ. Tôi đam mê máy móc nên bám trụ" - ông Dăng nhớ lại.
Quyết định mua lại chiếc máy cày này, ông Dăng chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm để trả nợ. Khi sử dụng, máy thỉnh thoảng hỏng hóc nhưng sẵn có nghề nên ông sửa mà không cần thợ.
Chính vì rành máy móc, ông Dăng cày các thửa ruộng hoàn thành đúng thời gian nên rất được nông dân tin tưởng. Từ năm 2000, sau khi tham gia HTX Nông nghiệp thị trấn Vạn Giã, ông được giao rất nhiều diện tích ruộng để cày thuê. Nhờ đó, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm 4 máy cày. Năm 2004, ông mua thêm 7 máy rồi rủ các nông dân tham gia, dạy họ cách lái để hỗ trợ bà con.
Những năm 2005 - 2008, nhà nước khuyến khích mua máy gặt đập liên hợp, ông Dăng dồn vốn đầu tư 150 triệu đồng mua 2 máy. Đến giờ, ông thành người có số máy móc nhiều nhất huyện Vạn Ninh với 4 máy gặt đập liên hợp, 9 máy cày - tổng trị giá hơn 3 tỉ đồng.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng, chỉ đám ruộng để hoang, ông Dăng chặc lưỡi: "Hiện nay, nhiều người không ưa làm ruộng. Thanh niên thích đến thành phố làm dịch vụ hoặc công nhân, thành ra ruộng để cỏ mọc hoang. Tiếc quá, tôi mua lại. Mấy năm nay, năm nào tôi cũng làm khoảng 6 ha lúa. Mỗi hecta thu hoạch 6-9 tấn lúa, mỗi năm tôi bán kiếm được khoảng 100-150 triệu đồng".
Ngoài làm ruộng, ông Dăng còn làm dịch vụ cho cả vùng. Mùa gặt, ông kéo xe ra tận Phú Yên và vào cả Bình Thuận. Ông cười: "Không hiểu sao người ta thích tôi đi cày, đi gặt nên dân các tỉnh họ tìm đến. Năm sau, có mấy người nói tôi chở máy ra Bắc để gặt nữa". Mỗi lần đi làm ở các tỉnh, thường 1-2 tháng ông mới về nhà.
Ông Dăng khẳng định nhờ ứng dụng máy móc, cơ giới hóa vào nông nghiệp nên giá thành sản xuất giảm đáng kể. "Mình làm dịch vụ thì phải tính toán, cân đối để làm sao chi phí rẻ nhất, hỗ trợ tối đa cho bà con và có chút lãi bảo trì máy móc. Tôi cũng trồng lúa, một nắng hai sương mới ra được hạt thóc mà... Vì thế, tôi không tham lời nhiều" - ông tâm sự.
Giúp nhau cùng vươn lên
Ngoài tiền bán lúa, mỗi năm, ông Dăng thu từ dịch vụ gặt khoảng 700-800 triệu đồng, 3 máy cày lớn cho khoảng 300 triệu đồng, 6 máy cày nhỏ cũng khoảng 300 triệu đồng, tổng thu nhập khoảng 1,6 tỉ đồng. Trừ chi phí thì ông lãi ròng từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Hiện nay, ông còn giải quyết việc làm cho 20-25 lao động ở địa phương với thu nhập trung bình 6-10 triệu đồng/tháng/người. Nhiều trường hợp được ông giúp đỡ, hỗ trợ vốn vay không lấy lãi để cùng vươn lên.
Chia sẻ bí quyết làm giàu, ông Dăng không ngần ngại: "Nghề lái máy cày, máy gặt đập thì cả nước ứng dụng nhiều rồi. Ở huyện Vạn Ninh cũng có nhiều người làm nhưng rơi rụng dần vì họ không nắm được kỹ thuật, thiếu hiểu biết máy móc cũng như bám sát những cập nhật mới".
Ông Dăng cho rằng ông lợi thế hơn người khác vì từng học sửa chữa máy móc, hiểu được máy hư ở đâu, cần làm gì để bảo trì, bảo dưỡng nên không thu tiền dịch vụ nhiều mà vẫn có lời. Ông tếu táo: "Máy móc có 3 giai đoạn là máy nuôi người, máy nuôi máy và người nuôi máy. Máy móc đều có hạn sử dụng, giai đoạn đầu ít hư hỏng thì làm ăn rất được nhưng càng về sau càng kém, sửa chữa nhiều nên phải thường xuyên bảo trì, nâng cấp".
"Nói như vậy để hiểu nông dân muốn thoát nghèo thì phải nắm bắt khoa học công nghệ. Một máy bằng 40 công lao động mà. Nông dân không được thụ động, phải nắm bắt kiến thức qua những lớp đào tạo, chuyển giao công nghệ mà ngành nông nghiệp tổ chức, mạnh dạn ứng dụng khoa học vào sản xuất" - ông Dăng nhấn mạnh. Ông dẫn chứng máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc hoạt động thực tế không hiệu quả, thường hư hỏng, nhiều người mua về là bỏ. Ông phải rã máy, mày mò nghiên cứu khắc phục 3 lỗi là quắn nhỏ không đưa lúa lên kịp, bi nhỏ không thích hợp vòng tua của máy và bộ sàng không bảo đảm. Sau khi khắc phục, máy hoạt động hiệu quả.
"Tôi đem bài học kinh nghiệm này đi dự cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2011 và được giải khuyến khích. Sau đó, tôi mở xưởng để khắc phục lỗi này cho bà con" - ông Dăng kể.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-8
Gương sáng đáng học tập
Đây là lần thứ hai ông Nguyễn Dăng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc". Danh hiệu này cứ 5 năm mới được xét tặng một lần.
Bà Hà Hồng Hạnh, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, đánh giá ở Khánh Hòa có nhiều gương điển hình về sản xuất - kinh doanh giỏi nhưng hội "cân đong đo đếm" mãi mới chọn được ông Dăng để làm hồ sơ khen thưởng vì hoạt động sản xuất - kinh doanh bền vững, liên tục. Theo bà Hạnh, ông Dăng thường xuyên tham gia các hoạt động khuyến nông, có các sáng tạo khoa học kỹ thuật, là gương sáng mà nhiều nông dân đáng học tập.
Tác giả bài viết: KỲ NAM
Nguồn tin: nld.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn