06:22 EST Thứ hai, 25/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Tích tụ và tập trung đất đai để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn ở Kiên Giang

Thứ năm - 23/08/2018 08:11
(Mặt trận) - Tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn là xu thế tất yếu ở nước ta. Đối với tỉnh Kiên Giang việc làm này càng cấp thiết hơn, để làm được điều đó phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có những giải pháp tỉnh có thể thực hiện, nhưng có những vấn đề, như: mức hạn điền, thị trường chuyển quyền sử dụng đất, thị trường cho thuê quyền sử dụng đất,… phải giải quyết ở tầm vĩ mô.
Sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, trong đó có Kiên Giang cần tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn. Ảnh minh họa - Nguồn: Lao động

Sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, trong đó có Kiên Giang cần tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn. Ảnh minh họa - Nguồn: Lao động

Với diện tích tự nhiên 634.852,67 ha, Kiên Giang là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh là 463.100ha (năm 2017, đất lúa là 395.820 ha, tăng 18.453 ha so với năm 2010). Năm 2015, tỷ trọng của nông - lâm - thủy sản còn 35,14%, dịch vụ tăng lên chiếm 40,44%), nhưng nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sản lượng lúa của Kiên Giang đạt mức 4.642.000 tấn vào năm 2015; do nhiều nguyên nhân, nhất là do biến đổi khí hậu, hạn hán, mặn xâm nhập làm cho diện tích, năng suất và sản lượng lúa của tỉnh giảm dần: năm 2016 giảm xuống còn 4.160.794 tấn và năm 2017 chỉ còn 4.051.896 tấn, nhưng đến nay sản lượng lúa của Kiên Giang vẫn chiếm khoảng 10,1% sản lượng lúa của cả nước. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 674.845 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 52.200 tấn; năm 2017 đạt 765.275 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 65.190 tấn.

1. Sự cần thiết tích tụ, tập trung ruộng đất ở Kiên Giang

Hiện nay tại Kiên Giang có 2 mô hình canh tác chủ yếu trên đất nông nghiệp là chuyên canh lúa 2 vụ (một số địa phương có thể canh tác 3 vụ) và mô hình tôm - lúa.

Hiệu quả của mô hình canh tác lúa: Nếu người nông dân tham gia “Cánh đồng lớn”, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm từ 30 đến 50 đồng/kg. Khi tham gia “Cánh đồng lớn”, do cách thức làm ăn hợp tác nên chi phí cho 1ha khoảng 15,6 triệu đồng, thấp hơn những hộ không tham gia 1 triệu đồng. Năng suất lúa bình quân của Kiên Giang vụ Đông - Xuân 2016-2017 đạt 6,03 tấn/ha, với giá lúa được doanh nghiệp bao tiêu là 5.650 đồng/kg, tổng thu nhập hơn 34 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 18,5 triệu đồng/ha (khoảng 52%), cao hơn ngoài mô hình khoảng 2,4 triệu đồng/ha. Năng suất vụ Hè - Thu 2017 là 5,5 tấn/ha, với giá lúa khoảng 5.900đ/kg, tổng thu nhập 32,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 17 triệu đồng/ha. Như vậy, nếu làm 2 vụ lúa/1năm, theo tính toán của năm 2017, 1ha đất lúa sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 35,5 triệu đồng. Nếu giá trị một ha đất bình quân 400 triệu đồng, cộng vốn liếng đầu tư hai vụ khoảng 70 triệu đồng, làm ra mức lãi 35 triệu đồng/năm (hai vụ) chỉ tạm ổn.

Mô hình canh tác 1 vụ tôm - 1 vụ lúa: Nếu như tổng chi phí đầu tư hai vụ lúa/ha/năm gần 32 triệu đồng, thu hoạch 13 tấn/năm và thu về trên 64 triệu đồng, lợi nhuận trên 32 triệu đồng. So với mô hình một vụ tôm - một vụ lúa; trong đó, chi phí một vụ lúa trên 16,5 triệu đồng/ha, thu hoạch trên 36,7 triệu đồng, lợi nhuận gần 21 triệu đồng; chi phí một vụ tôm trên 22 triệu đồng, thu hoạch 51 triệu đồng, lãi gần 29 triệu đồng. So sánh hiệu quả kinh tế giữa hai mô hình 2 vụ lúa và mô hình một vụ lúa - một vụ tôm thì mô hình một tôm - một lúa/năm sẽ lãi hơn mô hình hai lúa/năm là gần 17 triệu đồng/ha/năm.

Như vậy, nếu 1 hộ có 1ha đất thì: với mô hình canh tác 2 vụ lúa, 1 hộ 4 nhân khẩu thì thu nhập từ lúa chỉ đạt khoảng 9 triệu đồng/người/năm. Còn với mô hình tôm - lúa thì thu nhập khá hơn, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 13 triệu đồng/người/năm.

Từ phân tích trên cho thấy, để phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, tăng thu nhập cho hộ nông dân, lao động nông nghiệp thì tích tụ, tập trung đất đai là tất yếu ở Kiên Giang.

2. Những yếu tố tác động tới tích tụ, tập trung ruộng đất ở Kiên Giang

Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai:

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xác định: Tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn theo hướng kéo dài hơn quy định hiện hành để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. 

Thứ hai, trình độ canh tác, trình độ cơ giới hóa của người sản xuất:

Hiện nay ở Kiên Giang, trình độ canh tác, mức độ cơ giới hóa của người nông dân được nâng lên. Trong sản xuất lúa, nông dân chủ yếu sử dụng máy móc thay thế sức người. Sau hơn tám năm triển khai chính sách cho nông dân vay vốn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, ở Kiên Giang đã có 917 hộ được xét cho vay có hỗ trợ lãi suất để mua 264 máy cày, 267 máy gặt đập liên hợp (GÐLH), 52 máy bơm nước, 123 mô-tơ điện, 46 máy suốt lúa, 163 máy sấy lúa...  Đến năm 2016, toàn tỉnh Kiên Giang có 1.319 máy GÐLH, 4.827 máy cày, 160 máy gặt xếp dãy, 1.799 lò sấy lúa, 5.692 dụng cụ sạ hàng... Với số máy hiện có, Kiên Giang đã cơ giới hóa đạt 65% diện tích cày ải, 100% khâu bơm tưới bằng động lực, 35% khâu thu hoạch, 30% khâu sạ hàng, 50% sản lượng khâu sấy khô...

Với trình độ canh tác tốt, trình độ cơ giới hóa cao, cho phép một lao động nông nghiệp có thể canh tác trên 1 diện tích đất lớn hơn, tạo điều kiện và đòi hỏi phải tích tụ và tập trung ruộng đất.

Thứ ba, tập quán, tâm lý của người nông dân:

Tập quán, tâm lý người nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung cũng như nông dân ở Kiên Giang nói riêng là muốn giữ đất nông nghiệp như một tài sản và công cụ “bảo hiểm” đảm bảo ổn định cuộc sống ở nông thôn, không muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mặc dù có thể có nguồn thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp đảm bảo.

3. Một số giải pháp nhằm tích tụ, tập trung ruộng đất ở Kiên Giang

Thực tế, trong thời gian qua ở Kiên Giang đã diễn ra quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất thông qua một số hình thức:

+ Chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa các hộ gia đình, các cá nhân, hình thức này diễn ra chủ yếu ở các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên, nơi diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn. Tuy nhiên, hình thức này không nhiều vì tâm lý của người nông dân muốn giữ lại ruộng đất.

+ Cho thuê quyền sử dụng đất. Đây là hình thức diễn ra khá phổ biến hiện nay ở Kiên Giang, một số hộ gia đình có nhiều đất cho những hộ khác thuê quyền sử dụng đất, nhiều hộ có ít đất canh tác có thu nhập thấp cũng cho thuê quyền sử dụng đất và đi làm công nhân ở các khu công nghiệp vùng Đông Nam bộ.

Hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng “Cánh đồng lớn”. Doanh nghiệp ký hợp đồng với nhiều hộ nông dân, hợp tác xã cung ứng vật tư, giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng trên diện tích lớn.

Để thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất ở Kiên Giang góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, cần thực hiện các giải pháp:

Một là, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa của các hộ nông dân, phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã kiểu mới.

Hiện nay và trong tương lai, kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại vẫn là đơn vị sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp ở Việt Nam cũng như tại Kiên Giang. Trang trại là đơn vị kinh tế có khả năng tích tụ, tập trung ruộng đất, vốn... Do đó, trong thời gian tới, tỉnh cần có chính sách để khuyến khích các hộ nông dân trên địa bàn tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa và năng lực làm chủ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ. Người nông dân được đào tạo về hạch toán kinh doanh, quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường, bảo vệ môi trường, sử dụng đất... có tinh thần hợp tác sản xuất kinh doanh, sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường.

Kinh tế hợp tác cũng là một trong những hình thức góp phần tập trung ruộng đất. Hiện nay ở Kiên Giang có 279 hợp tác xã, 2.224 tổ hợp tác. Trong thời gian tới, tỉnh cần phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã, liên kết theo cả chiều ngang và chiều dọc. Xây dựng hợp tác xã kiểu mới hoạt động đúng nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, quản lý dân chủ, bình đẳng, cùng có lợi, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả. Đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của hợp tác xã, đồng thời hỗ trợ cho kinh tế hộ nông dân phát triển.

Đến nay ở Kiên Giang có 15 công ty tham gia liên kết cung ứng vật tư đầu vào và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa trên diện tích 47.683 ha ở 11 huyện, thị. Chính sự liên kết với doanh nghiệp là điều kiện để có “Cánh đồng lớn”, do đó, trong thời gian tới, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến và dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên và hỗ trợ doanh nghiệp tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư xây dựng nhà xưởng, khu nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp có liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các hộ nông dân tạo thành các chuỗi sản xuất kinh doanh bền vững.

Hai là, phát triển các hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh quá trình hợp tác, liên kết sản xuất hình thành các “Cánh đồng lớn” phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hoàn thiện chế định hợp đồng kinh tế, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao trách nhiệm các bên thực hiện cam kết trong liên kết sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, hội nhập quốc tế.

Ba là, ban hành cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân. 

Cần xem xét hỗ trợ tín dụng cho các tổ chức, cá nhân thuê ruộng đất để tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Để phát triển nông nghiệp hàng hóa, cần ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như những giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu hạn; chứng nhận VietGAP, hữu cơ cho sản phẩm nông sản, như: lúa (Hòn Đất, Giồng Riềng, An Biên); hồ tiêu, khoai lang, ổi (Giồng Riềng); chanh, rau, khóm (Châu Thành); nấm rơm (Phú Quốc), lúa hữu cơ (An Biên, An Minh),…  Do đó, cần có những chính sách ưu đãi cho các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

Bốn là, đào tạo nghề gắn với chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành khác.

Việc thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đất, tất yếu dẫn tới tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp. Để giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho số lao động dôi dư, cần phát triển các ngành công nghiệp mà tỉnh Kiên Giang có lợi thế như công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; phát triển du lịch ở Hà Tiên, Phú Quốc...

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ để người lao động có thể tìm được việc làm ở các khu công nghiệp.

ThS. Trần Tuệ Quang - Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 204

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 202


Hôm nayHôm nay : 48438

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1186542

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71413857