Mùa mưa lũ năm nay, gia đình bà Hà Thị Dần (thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên) không còn nỗi lo ngập lụt. Trong ngôi nhà mới được thiết kế thích ứng với vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ, bà Dần phấn khởi: “Năm nào đến mùa mưa, gia đình tôi cũng thấp thỏm. Nhiều hôm, nước lên trở tay không kịp nên có bao nhiêu lương thực, đồ đạc bị ngập, hư hỏng hết. Giờ thì không lo nữa rồi. Đặc biệt, chúng tôi đã được trang bị các kiến thức để sống thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại hàng năm…”. Nhờ dự án Làng Samsung C&T của Tổ chức Habitat Việt Nam và Tập đoàn Samsung, thông qua MTTQ các cấp, gia đình bà Dần đã được hỗ trợ 30 triệu đồng không hoàn lại và cho vay 20 triệu đồng (trả dần trong vòng 4 năm) để làm nhà ở.
Với anh Lê Đình Sơn (thôn Hồng Lạc, xã Thạch Châu, Lộc Hà), từ điểm xuất phát đói nghèo, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân và sự động viên của anh em, bà con, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay hàng trăm triệu đồng đầu tư mô hình trồng rau, củ, quả an toàn... Năm 2017, gia đình thu lãi hơn 90 triệu đồng; năm 2018, dự tính có thể đạt 120 triệu đồng.
Anh Sơn vui vẻ: “Trước đây, tôi cũng như nhiều người nông dân khác không biết tính toán làm ăn, nhưng nhờ các tổ chức hội quan tâm, được tập huấn và tạo điều kiện vay vốn nên đã từng bước thay đổi. Vì vậy, có kinh nghiệm gì, tôi sẵn sàng chia sẻ cho mọi người, mong họ biết được cách khắc phục khó khăn để vượt qua đói nghèo”.
Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để giúp các hội viên cải thiện chất lượng cuộc sống và thoát nghèo bền vững, Hội đã chọn giải pháp tiếp cận đa chiều như hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất (là ưu tiên số 1), trong đó chú trọng cho người dân tiếp cận kỹ thuật, KHCN, giống, đầu vào, đầu ra…; đào tạo nghề. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ người dân về mặt thông tin (về chất lượng sản phẩm, thị trường, đặc biệt là thông tin về các chính sách của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ về các chính sách xã hội...).
Những năm gần đây, mỗi năm, ngân sách nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép, thông qua các chương trình, dự án, chính sách cho giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đối với Hà Tĩnh, việc thực hiện nhiệm vụ này được gắn với phong trào “Hà Tĩnh chung tay xây dựng NTM” và các phong trào thi đua khác nên đã đạt được kết quả cao.
Đến ngày 30/6/2018, các chương trình cho vay hộ nghèo doanh số cho vay 76,7 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo doanh số cho vay là 120,6 tỷ đồng; cho vay với hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay là 206 tỷ đồng. Chính nhờ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội nhiều mô hình kinh tế đã được thành lập, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động hàng năm, qua đó giúp thoát nghèo, dần nâng cao mức sống của người dân.
Từ năm 2016-2018, toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ 1.645 hộ nghèo làm nhà mới, sửa chữa nhà ở với số tiền 21,5 tỷ đồng; hỗ trợ 373 hộ nghèo khám chữa bệnh với số tiền 793 triệu đồng; giúp 550 hộ nghèo phát triển sản xuất với số tiền 2,264 tỷ đồng; hỗ trợ 762 học sinh nghèo vượt khó học tập với số tiền 969 triệu đồng…Theo kết quả điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 8,56% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,77%.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Thông, tốc độ giảm nghèo cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của tỉnh vẫn chưa thực sự bền vững. Sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các địa phương còn cao; số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn. Vì vậy, thời gian tới, các hộ nghèo, cận nghèo cần phải tham gia vào chuỗi sản xuất thông qua các tổ chức hội để tạo động lực mới vươn lên phát triển kinh tế.
Mặt khác, giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều còn là việc bảo đảm để mọi người có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội.
Theo BHT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn