Về lại Tràng Sơn (Đô Lương) cảm nhận vùng quê thuần nông đổi thay rõ nét sau hoàn thành xây dựng nông thôn mới (năm 2016). Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường đạt chuẩn mà xóm đã vận động bà con nhân dân đóng góp xây dựng, ông Lê Đình Hòa - Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Tràng Sơn phấn khởi nói: “Xóm có 180 hộ dân, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng 3 km đường giao thông, nhà văn hóa đạt chuẩn, bà con phấn khởi và yên tâm sản xuất; cả xóm có 20 hộ dân chuyên kinh doanh dịch vụ... Thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 30 triệu đồng/năm, tăng 6 triệu đồng so với năm 2015.
Hệ thống đường giao thông xã Lạc Sơn đạt chuẩn. Ảnh: Lương Mai |
So với các xã về đích nông thôn mới trong huyện Đô Lương, hệ thống cơ sở hạ tầng của xã Tràng Sơn được đầu tư khá bài bản, đồng bộ, chất lượng các công trình nhận được nhiều đánh giá cao. Ông Lê Đình Thông - Chủ tịch UBND xã Tràng Sơn, cho biết: Toàn xã đã huy động hàng trăm tỷ đồng đầu tư đồng bộ đạt chuẩn trên 35 km đường giao thông, 13 nhà văn hóa xóm, nội đồng, kênh mương. Sau xây dựng nông thôn mới, xã đã quy hoạch thêm được 2 khu dân cư ở xóm 4 và xóm 13 với 50 hộ dân nằm ven Quốc lộ 15A chuyên kinh doanh các ngành nghề thương mại, dịch vụ. Ở vùng sát đất lâm nghiệp, xã phát triển 5 mô hình trang trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa cho thu nhập 150 - 250 triệu đồng/năm... Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt trên 15%, giá trị thương mại, dịch vụ đạt trên 52%.
Mô hình chế biến tinh bột nghệ của anh Nguyễn Đình Tuấn, xóm 5, xã Xuân Sơn (Đô Lương). Ảnh: Quang An |
Bước vào xây dựng nông thôn mới, toàn xã Tân Sơn mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí, hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng, đời sống nhân dân còn chưa đồng đều. Với quyết tâm nỗ lực cao, năm 2015 xã hoàn thành 19 tiêu chí. Ông Trần Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: Sau khi hoàn thiện các tiêu chí về đích nông thôn mới, xã tập trung làm tốt công tác quy hoạch vùng đất, xác định rõ thế mạnh và đầu tư có trọng điểm. Đến nay, toàn xã đã quy hoạch được 5 cánh đồng mẫu lớn, 5 mô hình trang trại chăn nuôi thu nhập cao, vươn lên thành xã có thu nhập đạt 5 tấn/ha đầu tiên của tỉnh; hình thành làng nghề mộc, làng nghề bún bánh, hàng trăm tổ thợ kinh doanh, dịch vụ. Tổng thu nhập xã hội đạt 240 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân chung so với các xã đã về đích nông thôn mới năm 2016 và 2017 của huyện.
Sau hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nội đồng của các xã Yên Sơn, Hòa Sơn, Tân Sơn, Xuân Sơn… đã quy hoạch bài bản các tuyến đường chính, phụ, kênh mương, trạm bơm tưới. Việc hiến đất làm đường, huy động xã hội hóa trong đầu tư công trình công ích được nhân dân đồng tình và hưởng ứng khá rộng khắp. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đứng ra ứng trước hàng ngàn tấn xi măng từ Tập đoàn Xi măng The Vissai, hỗ trợ 200 - 400 tấn/xã, chỉ đạo các xã ưu tiên lồng ghép các chương trình dự án đường giao thông thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, đặc biệt các xã đăng ký về đích trong năm 2015 đến năm 2017.
Nuôi thỏ ở Đô Lương. Ảnh: Tư liệu |
Huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp với các xã ứng dụng tiến bộ KHKT nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất như lúa chất lượng cao, trồng thanh long đỏ hạt, rau màu vụ đông cao cấp trên đất lúa, đưa trên 700 máy cơ giới hóa vào sản xuất, trên 85% lao động được thay thế bằng máy móc. Nhờ vậy, đến nay các xã về đích đã phát triển 50 mô hình trồng dưa chuột, bầu bí, rau màu cao cấp cho thu nhập 80 - 150 triệu đồng/ha ở các xã Xuân Sơn, Tân Sơn, Thái Sơn; trên 130 ha nuôi trồng thủy sản tại xã Yên Sơn; Thịnh Sơn mỗi năm cơ cấu 2 vụ lúa, 1 vụ cá thu nhập trên 100 triệu đồng/ha, hay mô hình 1.500 ha lúa chất lượng cao tại Yên Sơn, Văn Sơn, Hòa Sơn.
Duy tu nâng cấp đường qua xã Đà Sơn, Đô Lương. Ảnh: Văn Trường |
Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, các xã sau khi hoàn thành về đích nông thôn mới đã năng động phát triển hàng trăm tổ hợp nghề thương mại dịch vụ. Điển hình như dịch vụ chăn nuôi ở Yên Sơn, Xuân Sơn, dịch vụ ăn uống tại Tràng Sơn, Yên Sơn, tổ hợp nghề trồng nấm, nghề mộc ở Tân Sơn, Thái Sơn, nghề bún bánh ở Tân Sơn, Đà Sơn. Các mô hình kinh tế sau xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất tăng 15 - 20% so với trước, vừa minh chứng cho sự năng động bắt kịp xu thế thị trường của người dân tại các vùng quê. Huyện cũng tiếp tục quy hoạch tập trung vùng sản xuất, lúa thuần chất lượng cao, chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, phát triển chuỗi trang trại chăn nuôi sản phẩm sạch tại các địa phương có thế mạnh sau khi về đích như Xuân Sơn, Hòa Sơn, Yên Sơn...
Tác giả bài viết: Lương Mai
Nguồn tin: baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn