Chỉ một thời gian ngắn, với sự vào cuộc của cả cộng đồng, hàng trăm tấn dưa hấu ở Quảng Nam đã được các tổ chức, cá nhân thu mua với giá cả phải chăng và được vận chuyển về các tỉnh, thành để tiêu thụ. Hành động này đã thiết thực giúp người trồng dưa Quảng Nam bớt được phần nào khó khăn.
Chia sẻ là đạo lý muôn đời của dân tộc. Đạo lý đó đang được tuổi trẻ hôm nay gìn giữ, phát huy và tiếp tục nhân rộng. Tuy nhiên, sau “sự kiện” dưa Quảng Nam được tiêu thụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thời gian gần đây, trên thị trường TP Hà Tĩnh, tại một số điểm bán dưa hấu tập trung, từ xe ô tô cho đến xe bò kéo, chúng tôi lại bắt gặp băng rôn nổi bật dòng chữ: “Một quả dưa, một tấm lòng”; hay “Ủng hộ người trồng dưa Quảng Ngãi”; “Một quả dưa, 2 ý nghĩa”... Chúng tôi tự hỏi, liệu cộng đồng có thể chia sẻ với người dân Quãng Ngãi đến bao giờ?
Người dân Hà Tĩnh mua dưa hưởng ứng phong trào “Một quả dưa, một tấm lòng”. |
Người Việt bao đời vẫn luôn đùm bọc, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, khó khăn, ngay cả trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt. Nhưng trong trường hợp này, đạo lý đó phải chăng đang bị lạm dụng? Bởi một lẽ, là kinh tế thị trường cạnh tranh, sản phẩm nào khẳng định được lợi thế về chất lượng, mẫu mã, giá cả thì chắc chắn sẽ được người tiêu dùng tìm đến. Trở lại với quả dưa hấu trong thời gian gần đây.
Đâu đâu cũng thấy kêu gọi người dân “ăn ủng hộ”, nhưng theo phản ánh của nhiều người mua, chất lượng dưa kém, ruột không đỏ như các loại dưa hấu khác, ăn có vị chua. Và liệu có phải người ta đang lợi dụng tình thương để bán hàng? Cũng không loại trừ khả năng một số người đang lợi dụng tình thương, đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc để làm lợi cho mình!?... “Câu chuyện quả dưa” đang đưa chúng tôi đến một suy nghĩ khác: làm thế nào để tránh trào lưu từ thiện hóa trong tiêu thụ các loại nông sản?
Từ những quả dưa này, chúng tôi đang nghĩ tới chiến lược tiêu thụ nông sản của chúng ta. Chưa nói tới việc áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng nông sản, tăng giá trị sản xuất, hiện nay đang là thời điểm đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, nơi nơi xây dựng, sản xuất các sản phẩm chủ lực, nhưng nếu thiếu chiến lược trong tiêu thụ thì sản phẩm chủ lực cũng khó có thể tìm được thị trường.
Làm sao có thể đảm bảo sản xuất bền vững khi mà sản phẩm làm ra, hôm nay phải “nhờ” cộng đồng “ăn ủng hộ”, ngày mai lại kêu gọi “hỗ trợ tiêu thụ”...? Một chiến lược căn cơ, dài hơi trong tiêu thụ nông sản cho nông dân cần được tính toán chặt chẽ, kỹ lưỡng ngay khi mới hình thành mô hình sản xuất, tránh ảnh hưởng đến nền sản xuất quy mô lớn và giảm niềm tin của người nông dân.
Tường Anh
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn