Vai trò được khẳng định
Khi giai đoạn người nông dân cố gắng lao động chỉ để đủ ăn, trang trải cuộc sống gia đình đã qua đi, và nền kinh tế đang bước qua một giai đoạn mới để hàng hóa nông nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường rộng hơn thì cũng là lúc cần những thay đổi cơ bản về mặt tư duy, cách tiếp cận thị trường. Trong đó, các DN hoạt động trong khu vực này, đặc biệt là các DN tư nhân, DNVVV đóng vai trò ngày càng quan trọng.
“Nhìn nông nghiệp dưới góc độ thị trường thì DN là những chủ thể biết rõ nhất thị trường cần gì. Bởi vậy, vai trò của các DN trong việc làm đầu tàu, làm cầu nối giúp gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp là vô cùng quan trọng” – TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) chia sẻ quan điểm tại Hội thảo: “Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển nông nghiệp nông thôn (NNNT) ở Việt Nam”, do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Chương trình hỗ trợ Cạnh tranh toàn cầu (GCF) và Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đồng tổ chức ngày 28/11.
DNNVV có thể giúp tạo nhiều việc làm và giá trị gia tăng cho các hàng hóa nông nghiệp
Theo ông Tuấn, vai trò của các DNNVV trong NNNT thời gian qua đã phần nào được thể hiện. Các DN hoạt động trong khu vực này đã giúp tạo ra nhiều việc làm, dù còn rất nhiều tổ chức kinh doanh vẫn chưa có đăng ký chính thức hoạt động. Theo một điều tra gần đây của IPSARD với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho thấy, mới chỉ có 26% số hộ kinh doanh ở khu vực nông thôn đã có đăng ký kinh doanh chính thức.
Các chuyên gia tại hội thảo nhìn nhận, nếu được tổ chức tốt, định hướng và tạo được các khích lệ và hỗ trợ kịp thời thì các DNNVV trong lĩnh vực này có thể giúp tạo nhiều việc làm và giá trị gia tăng cho các hàng hóa nông nghiệp. Đơn cử, tổng kết chương trình GCF giai đoạn II (2011- 2014) do Tổ chức Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch tài trợ cho thấy, chương trình này đã giúp tạo ra 27.918 việc làm, đào tạo kỹ năng mới cho 62.584 người, tăng vốn đầu tư thêm 502 tỷ đồng, tăng giá trị xuất khẩu thêm 4.603 tỷ đồng và giúp tăng thu nhập của nhóm đối tượng như nông dân, nông hộ thêm từ 10-200%.
Nhìn những gương mặt rạng ngời, phấn chấn của các vị giám đốc, phó giám đốc một số DNNVV – sản xuất và kinh doanh từ hoa, rau quả đến cà phê, lúa gạo và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác - đang say sưa nói về sản phẩm của mình với khách tham quan tại những gian trưng bày sản phẩm bên hành lang Hội thảo, mọi người thấy vai trò của những DNNVV trong lĩnh vực NNNT đang ngày càng được khẳng định khi họ tìm ra những hướng đi đúng. Họ đang thực sự làm giàu cho chính DN mình, cho xã hội và nền kinh tế.
Vì sao DNNVV chưa muốn “lớn”
Tuy nhiên, cũng có một vấn đề đặt ra là tại sao vẫn còn rất nhiều DN hoặc không dám mạnh dạn đầu tư vào NNNT, hoặc các DN đã hoạt động thì chủ yếu vẫn là những DN siêu nhỏ, không đăng ký kinh doanh và cũng “không chịu lớn” cả về số lượng và quy mô?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chỉ ra 3 lý do chính: Một là, các DN không chắc chắn đầu tư vào có đạt được mục tiêu đề ra không, nói cách khác là không lượng định được rủi ro có tính bất định. Ví dụ, DN lo ngại liệu người nông dân có đảm bảo theo đúng quy trình đặt ra của DN; liệu ứng trước tiền vật tư đầu vào thì sau đó sẽ có được trả lại đầy đủ… Hai là, DN lo ngại đầu tư vào lĩnh vực này có nhiều rủi ro về thời tiết, thị trường, những thay đổi của chính sách… trong khi vốn lại phải trường kỳ không thể thu hồi nhanh. Ba là, DN cũng phải “cân” bài toán giữa cùng một lượng vốn ấy nên đầu tư vào NNNT hay vào các hoạt động thương mại đơn thuần mà lợi nhuận thu về lại cao hơn.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra về đóng góp của DNNVV cho sự phát triển và tạo việc làm khu vực NNNT của CIEM với quy mô 2.500 DNNVV trên 10 tỉnh trong giai đoạn 2005-2013 đã chỉ ra một nguyên nhân khác. Đó là sức cầu yếu và mức độ cạnh tranh tăng đang là những trở ngại lớn đối với các DNNVV nông thôn. Đặc biệt là sự cạnh tranh với các hàng hóa nhập lậu, hàng giả, giá rẻ.
Để tăng cường hơn nữa vai trò của các DNNVV trong phát triển NNNT, đồng thời khuyến khích hơn nữa sự tham gia của các DN thì quan trọng nhất lúc này, theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó viện trưởng CIEM, cần triển khai thực sự có hiệu quả các giải pháp, các chính sách đã đưa ra. “Cần tạo ra môi trường để các DN trong lĩnh vực NNNT hợp tác với nhau để tạo thành một chuỗi liên kết. Từ đó, mỗi DN sẽ trở thành một mắt xích trong chuỗi, qua đó vừa giúp gia tăng giá trị, vừa tạo thêm việc làm cho người nông dân. Bên cạnh đó, cần cải thiện hơn nữa về cơ sở hạ tầng để kết nối tốt hơn nữa giữa thành thị và nông thôn” – bà Tuệ Anh khuyến nghị.
Ông Tuấn cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo IPSARD thời gian tới thành lập nhóm đối tác với các DN tư nhân. Mục đích nhằm tạo ra một cầu nối trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc chính sách khi DN muốn đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời lấy ý kiến của các bên đề xuất về các chính sách đột phá mới thu hút đầu tư vào NNNT.
Về phía các nhà tài trợ nước ngoài, thành công của chương trình GEF vừa qua cũng cho thấy sự thay đổi trong xu hướng hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài cho khu vực NNNT hiện nay và trong tương lai. Theo đó, thay vì chỉ hỗ trợ chủ yếu tập trung vào xóa đói, giảm nghèo, các nhà tài trợ sẽ có các hoạt động hợp tác nhằm phát triển kinh doanh, nâng cao thu nhập và phát triển chuỗi giá trị.
Đỗ Lê
Nguồn thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn