Nhiều mô hình nuôi tôm tiên tiến
Từ khi chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, và nhất là thực hiện Đề án số 30 về phát triển nuôi tôm CN-BCN trên địa bàn TP. Bạc Liêu, đã mở ra nhiều cơ hội cho người nuôi tôm. Diện tích nuôi tôm CN-BCN cứ tăng dần theo hàng năm. Năm 2007, diện tích nuôi tôm CN-BCN của thành phố chỉ hơn 2.000ha, thì đến nay đã gần 4.840ha. Đặc biệt, phong trào nuôi tôm phát triển mạnh từ những năm 2000 đã giúp nhiều nông dân làm giàu và tích lũy nhiều kinh nghiệm.
Đoàn cán bộ Bộ NN&PTNT tham quan quy trình sản xuất vi sinh của Công ty Trúc Anh (TP. Bạc Liêu).
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: Tú Anh
Cùng với sự nỗ lực của người dân, phong trào nuôi tôm phát triển là nhờ có sự đầu tư của Nhà nước. TP. Bạc Liêu đã đầu tư hơn 4,82 tỷ đồng để nạo vét các kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, nuôi trồng, giúp nông dân phòng chống dịch bệnh... Đồng thời mở khoảng 20 lớp tập huấn/năm cho gần 600 nông dân học tập về kỹ thuật, cách chăm sóc tôm, quản lý ao nuôi, phương pháp sử dụng vi sinh trong nuôi tôm…
Với những giải pháp tích cực trên, TP. Bạc Liêu là địa phương dẫn đầu của tỉnh về xây dựng thành công các mô hình nuôi tôm bền vững, hạn chế rủi ro như: nuôi tôm với mật độ thưa từ 10 - 15 con/m2 sử dụng chế phẩm vi sinh; mô hình nuôi tôm thẻ và tôm sú siêu thâm canh trong nhà kính; mô hình nuôi tôm sạch không sử dụng kháng sinh... Và con tôm công nghiệp của thành phố đã gắn liền với tên tuổi của nhiều nông dân, doanh nghiệp hàng đầu về nuôi tôm như: “vua tôm” Sáu Ngoãn; nuôi tôm trong nhà kính của Công ty Hải Nguyên; nuôi tôm siêu thâm canh của Tập đoàn Việt - Úc; nuôi tôm vi sinh ứng dụng công nghệ cao của Công ty Trúc Anh...
Rủi ro cao, thách thức lớn
Sau chuyển đổi sản xuất, đặc biệt là những năm gần đây, nghề nuôi tôm được xếp vào nhóm rủi ro cao, nhất là các hộ nông dân áp dụng hình thức nuôi tôm CN-BCN. Ngoài những yếu tố khách quan như thời tiết, thiên tai, chất lượng con giống khó kiểm soát... thì ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu: “Nguyên nhân tôm chết tăng cao trong những năm gần đây là do bà con lạm dụng các loại thuốc kháng sinh trong nuôi tôm. Việc sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh đã làm cho môi trường ao nuôi bị ô nhiễm nặng nề”.
Có thể nói, việc lạm dụng các loại hóa chất cấm trong nuôi tôm CN-BCN gần như trở thành căn bệnh khó trị. Tôm chết, nông dân không cải tạo lại ao, không xử lý môi trường mà tiếp tục thả tôm nuôi. Việc làm nóng vội này đã làm mầm bệnh không được cách ly, cộng thêm cái vòng luẩn quẩn là nước trong ao nuôi tôm bị nhiễm bệnh xả thải ra môi trường không được xử lý, làm cho quá trình “thải nước ra, lấy nước vào” loại nước ô nhiễm, làm dịch bệnh lây lan. Từ những bất cập này mà diện tích nuôi tôm CN-BCN của thành phố đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu của Đề án 30 (về phát triển nuôi tôm CN-BCN bền vững) đề ra là 5.500ha.
Qua hơn 15 năm chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, đến nay vẫn còn hơn 2.340 hộ nuôi tôm thiếu vốn sản xuất với tổng diện tích gần 3.240ha. Trong đó, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần, mất nhà, mất đất phải bỏ xứ đi làm thuê.
Đây thật sự là nỗi trăn trở và cần có ngay các giải pháp khắc phục. Trong đó, không dừng ở giải pháp hỗ trợ đầu tư vốn, liên kết sản xuất theo hình thức nông dân ra đất, doanh nghiệp đầu tư con giống, thức ăn, quy trình nuôi và bao tiêu sản phẩm... mà cần đến một giải pháp khác ngoài phát triển con tôm. Bởi, nếu mạnh dạn chuyển đổi nghề nuôi tôm sang các đối tượng nuôi khác như: cua, cá chình, cá bống tượng, nuôi Artemia… sẽ là giải pháp cứu cánh cho nhiều nông dân. Song, muốn thực hiện được mục tiêu này, các địa phương cần quyết tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành và phát huy vai trò của doanh nghiệp. Nếu không, cũng khó thành công. Đơn cử như Dự án nuôi cua lột xuất khẩu ở 3 xã vùng ven của TP. Bạc Liêu đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, nếu không muốn nói là phá sản!?
Nuôi tôm công nghiệp hiện nay đã không còn theo kiểu “cứ thả xuống rồi đợi thu hoạch”. Nhiều “đại gia nuôi tôm” bây giờ còn phải “treo ao”. Vì vậy, không thể trông chờ hay dựa vào nuôi tôm công nghiệp. Tại hội thảo phát triển ngành tôm vừa qua được tổ chức tại Bạc Liêu, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về tình hình dịch bệnh trên tôm. Con tôm dù được nuôi theo quy trình, ứng dụng khoa học - công nghệ nhưng vẫn bị thất bại. Việc phòng bệnh cho con tôm vẫn còn là chuyện dài nhiều tập khi thị trường có đến hàng trăm loại thuốc phòng bệnh dành cho con tôm và doanh nghiệp nào cũng khẳng định thuốc của mình là số 1 (!?).
Tổ chức đánh giá lại hiệu quả, bàn giải pháp và đưa ra những mô hình mới cho phát triển nuôi tôm CN-BCN trên địa bàn TP. Bạc Liêu có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Điều đó sẽ góp phần phát huy có hiệu quả thế mạnh mũi nhọn này. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn nhìn nhận những khó khăn, yếu kém để làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch phát triển nuôi tôm gắn với Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản của tỉnh; giải quyết các khó khăn, thách thức mà nghề nuôi tôm đặt ra.
Theo Báo Bạc Liêu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn